ThienNhien.Net – Tình trạng chặt phá rừng tràn lan trong những năm gần đây đã khiến hàng nghìn ha rừng giàu biến thành rừng nghèo và nghèo kiệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng nước ta.
Báo Nông Thôn Ngày Nay ngày 27/12/2010 cho biết, trong vòng 5 năm qua, mỗi năm nước ta có 85,6 nghìn ha rừng giàu trở thành rừng ngèo kiệt. Độ che phủ của rừng trong 10 năm trở lại đây tăng từ 32,2 lên 39,1%. Tuy nhiên diện tích che phủ rừng tăng chủ yếu là rừng nghèo, còn rừng giàu thì ngày càng giảm với con số đáng báo động trong 5 năm qua, nhiều nhất là ở Tây Nguyên với 20.000ha ,Tây Bắc 18.000ha…
Theo ông Nguyễn Tuấn Phú, Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành (văn phòng chính phủ) thì trong những năm qua chính sách lâm nghiệp có nhiều bước đổi mới, đột phá nhưng hiệu quả trong công tác bảo vệ thì cơ bản vẫn giậm chân tại chỗ. Hầu hết những cây gỗ lớn trong 8 triệu diện tích rừng tự nhiên ở nước ta đã bị khai thác đến biến rừng thành nghèo kiệt”.
Diện tích rừng giàu của nước ta ngày càng giảm chủ yếu là do nạn chặt phá rừng tràn lan, và việc xây dựng các công trình thủy điện và khai thác khoáng sản.