ThienNhien.Net – Trung tuần tháng 12/2010, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo cuối cùng về đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch điện VII do Viện Năng lượng chủ trì tổ chức. Đây là bản đánh giá môi trường chiến lược đầu tiên được xây dựng đối với quy hoạch phát triển hệ thống điện của Việt Nam.
Quy hoạch điện VII được xây dựng cho giai đoạn 2011-2020, có xét đến tầm nhìn 2030, do Bộ Công Thương giao cho Viện Năng lượng thực hiện. Ba kịch bản đã được xây dựng dựa trên dự báo các mức tăng trưởng khác nhau về GDP, trong đó kịch bản cơ sở đã được lựa chọn cho việc thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.
Theo kịch bản này, mức tăng trưởng GDP các giai đoạn 2011-2015, 2016-2020 và 2021-2030 được kỳ vọng khá cao, lần lượt là 7,5%, 8,0% và 7,8%. Theo đó, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm trong vòng 5 năm tới được kỳ vọng sẽ đạt cao nhất ở mức 14,1%, sau đó giảm dần xuống còn 7,4% giai đoạn 2026-2030. Công suất điện năm 2030 dự kiến là 110.215 MW, gấp gần 7 lần so với mức 16.048MW hiện nay.
Đáng lưu ý trong cơ cấu nguồn điện của bản dự thảo Quy hoạch điện VII là sự gia tăng nhanh chóng của nhiệt điện chạy than trong vòng 10 năm tới, từ 16,2% năm 2010 lên 46, 6% năm 2020 và 56,1% vào năm 2030 trong tổng nguồn điện.
Thuỷ điện tuy sẽ có thêm sự góp mặt của thủy điện tích năng song tỉ trọng thủy điện sẽ giảm dần, thay cho việc xây dựng mới thủy điện lớn sẽ là các công trình thủy điện nhỏ, phân tán để giảm áp lực truyền tải và phụ thuộc nhiều vào thủy văn.
Năng lượng tái tạo – nguồn năng lượng đựơc đánh giá còn ít được phát triển ở Việt Nam – sẽ gia tăng, song cũng chỉ khiêm tốn chiếm 5% tổng nguồn điện vào năm 2025, sau đó giảm và duy trì ở mức 3,5%.
So với quy hoạch điện VI – bản quy hoạch được đánh giá là xa rời thực tiễn, tổng sơ đồ điện VII đã có nhiều cải thiện, khắc phục được một số nhược điểm cơ bản của quy hoạch trước đó. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Tổng sơ đồ VII vẫn còn quá tham vọng với mức dự báo điện cao. Điều này trước hết sẽ ảnh hưởng đến chính ngành điện do khó khăn huy động vốn đầu tư, tăng nợ quốc gia, gây hệ quả về môi trường xã hội và chất gánh nặng chi phí lên vai người tiêu dùng.
Liệu ĐMC đã đúng nghĩa là ĐMC?
Quy hoạch điện VII thu hút sự chú ý trong và ngoài ngành ra sao thì bản đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) cũng được chờ đón bấy nhiêu, một lý do nữa bởi đây là ĐMC đầu tiên của toàn ngành điện.
Tiếc rằng cuộc họp cuối cùng lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện ĐMC được nhiều người kỳ vọng chỉ diễn ra trong vỏn vẹn một buổi sáng, với thông tin cung cấp cho các đại biểu được nhận xét là “quá ngắn gọn”. Đến khâu cuối cùng, nhóm thực hiện ĐMC của Quy hoạch điện VII vẫn phải giải trình những thắc mắc rất cơ bản về phương pháp luận và cách thức thực hiện báo cáo.
Với nội dung trình bày của nhóm thực hiện ĐMC, nhiều chuyên gia và cán bộ trong lĩnh vực môi trường cho rằng ĐMC của Quy hoạch điện VII đã dấn quá sâu vào các tác động và đánh giá các chỉ tiêu cụ thể, thay vì dự báo diễn biến và xu hướng về môi trường ở tầm chiến lược, đúng với ý nghĩa và bản chất của ĐMC.
Quá trình ĐMC phải có sự tham vấn đầy đủ và sâu sát các bộ ngành liên quan, bởi ngoài trách nhiệm đối với ngành điện, Quy hoạch điện VII phải chia sẻ trách nhiệm với các ngành, lĩnh vực kinh tế khác cũng chịu ảnh hưởng. Một cán bộ quản lý môi trường của Tập đoàn Than – Khoáng sản bức xúc: “Theo quy hoạch phát triển ngành điện, nhiệt điện chạy than sẽ gia tăng nhanh. Bên cạnh nhập khẩu, nguồn than trong nước chắc chắn cũng sẽ khai thác nhiều hơn. Vậy ngành điện cần chia sẻ trách nhiệm với ngành than chúng tôi vốn lâu nay đã chịu gánh nặng sức ép dư luận về vấn đề hủy hoại môi trường chứ”.
Đừng để đa dạng sinh học chịu gánh nặng vì điện
Trong bản ĐMC của Quy hoạch điện VII, có hai lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp và ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học là việc phát triển hệ thống thủy điện nhỏ và xây dựng đường dây truyền tải điện.
Với dự kiến khai thác thêm 2.100 -2.700MW từ thủy điện nhỏ, báo cáo ĐMC cho biết khu vực lòng hồ các công trình thủy điện sẽ khiến trên 25.000 ha diện tích bị ngập và 61.500 người dân phải di chuyển, thiệt hại dịch vụ sinh thái rừng ước khoảng 74 triệu USD, thiệt hại về nông nghiệp 2,9 triệu USD/năm. Tại khu vực xung quanh lòng hồ, thiệt hại từ suy giảm giá trị rừng khoảng 8,4 tỉ USD, bên cạnh đó là ảnh hưởng lên các hệ sinh thái sông vùng gần đập và hạ lưu.
Việc xây mới các đường dây truyền tải cũng sẽ làm mất đi hơn 14.000ha rừng, giá trị thiệt hại ước 218 triệu USD, nguy cơ phá vỡ và chia cắt các hệ sinh thái ở 39 khu vực có đa dạng sinh học cao và 59 khu vực được bảo tồn.
Những con số trên tuy chưa thuyết phục một số chuyên gia về mức độ ảnh hưởng sâu sắc, song nó đã đủ để cảnh báo về tác động mạnh mẽ của ngành điện đối với giá trị đa dạng sinh học trong những năm sắp tới.
Để hạn chế những tác động tiêu cực này, nhóm thực hiện ĐMC đã đề xuất loại bỏ hai công trình thủy điện Đắc Mi 1 và Đồng Nai 5, điều chỉnh tuyến và công suất truyền tải điện, triển khai các chương trình rừng cộng đồng và tăng cường kiểm soát đa dạng sinh học.
Nhóm cũng khuyến nghị áp dụng phí dịch vụ môi trường rừng PFES đối với tất cả các công trình thủy điện ra đời trong thời gian tới. Có ý kiến cho rằng PFES hiển nhiên sớm muộn cũng sẽ áp dụng bắt buộc đối với thủy điện. Xem xét các sáng kiến REDD+ hay Bồi hoàn đa dạng sinh học tuy còn khá mới mẻ đối với Việt Nam có thể là những gợi ý tốt cho nhóm thực hiện ĐMC.