ThienNhien.Net – Ngày 20/12, Liên Hợp Quốc đã công bố tập bản đồ hệ sinh thái khu vực Mỹ Latinh và Caribe, khu vực được đánh giá là đa dạng sinh học nhất thế giới.
Đây là nỗ lực đầu tiên của Liên Hợp Quốc trong việc giám sát những biến đổi sinh thái môi trường một khu vực rộng lớn của thế giới vì mục tiêu phát triển bền vững của Trái đất.
Các hình ảnh từ tập bản đồ cho thấy sự giàu có và phong phú của môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và các phong cảnh đẹp đang bị sức ép khổng lồ từ các mô hình phát triển kinh tế về tăng trưởng không bền vững với hậu quả là những biến đổi môi trường và xã hội đáng lo ngại.
Tình trạng sa mạc hóa đã tác động đến 600 triệu hécta đất trong khu vực Mỹ Latinh và Caribe, tương đương với 2/3 diện tích Brazil. Hơn 43.500km2 rừng Amazon, tương đương với diện tích Thụy Sĩ, bị phá hủy hàng năm từ năm 2000 đến 2005.
Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Giám đốc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Achim Steiner nhấn mạnh, thực tế khắc nghiệt được nhận thức qua tập bản đồ sinh thái này sẽ thúc đẩy các nước hành động để bảo vệ các hệ sinh thái rất quan trọng cho sự sống của nhân loại.
Với hơn 200 bức ảnh chụp từ vệ tinh, các biến đổi sinh thái như sự tan chảy nhanh hơn của các dòng sông băng, các khu rừng nhiệt đới bị tàn phá, cũng như môi trường khu vực bị hủy hoại do các hoạt động khai mỏ và phát triển quá nhanh của các đô thị… đã được phân tích để giúp định hướng các hành động trong tương lai, và các chính sách công cần thiết để phát triển bền vững trên toàn khu vực.