Thiennhien.Net – Quảng Trị là một trong những tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng lớn bởi các hiện tượng khí hậu cực đoan, đặc biệt là hạn hán. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt gây rất nhiều khó khăn cho đời sống của người dân đặc biệt là đối với năng suất cây trồng, vật nuôi trong khi sản xuất nông nghiệp là nguồn sinh kế chính của đa số người dân. Trong hoàn cảnh ấy, kinh nghiệm và vốn kiến thức bản địa rất cần thiết được đẩy mạnh áp dụng như một phương tiện giúp người dân thích ứng với hạn.
Theo số liệu thống kê, trong vòng 30 năm qua nhiệt độ không khí tại Quảng Trị tăng lên theo thời gian. Lượng mưa tuy không giảm nhưng có xu hướng ít hơn vào mùa khô. Ngoài ra 74,7% đến 87% người dân của 2 Hải Quế, huyện Hải Lăng và xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong khi được hỏi cũng cho rằng nhiệt độ không khí trong những năm gần đây có xu thế tăng lên.
Hạn hán là nguyên nhân khiến diện tích đất sản xuất bị thu hẹp do thiếu nguồn nước, đồng thời nó cũng là nguyên nhân làm tăng bùng phát các ổ dịch và sâu bệnh khiến năng suất nông nghiệp giảm rõ rệt, đặc biệt là với hầu hết các loại cây trồng. Trong đó, Ngô là cây trồng bị giảm năng suất nhiều nhất so với những năm không bị hạn, giảm 33,7% ở Triệu Giang và 37% ở Hải Quế, theo Tạp trí Nông nghiệp & Phát triển Nông Thôn, số 16/2010.
Hạn cũng làm tăng yếu tố dịch bệnh ở cây trồng như tại xã Hải Quế bệnh vằn khô trên lúa tăng tới 73,1% và xã Triệu Giang là 66,2%, khoai lang thường bị sâu “hà” nên chỉ chủ yếu trồng lấy thân làm thức ăn cho gia súc. Hạn làm giảm đáng kể nguồn thức ăn xanh cho vật nuôi và cũng là nguyên nhân gây ra các loại bệnh ở vật nuôi như bệnh tụ huyết, phó thương hàn…
Để thích ứng với hạn hán người dân thường sử dụng các biện pháp như sử dụng các giống chịu hạn (cây nén chỉ giảm 10-12% năng suất và cây sắn giảm 15%), luân canh, xen canh, chọn các giống và loại cây trồng có tính chống chịu cao, xây dựng chuồng trại thoáng mát, thường xuyên vệ sinh để giảm nguồn bệnh…
Tuy nhiên, việc vận dụng kiến thức bản địa còn mang tính chất tự phát, do vậy tính phổ biến chưa cao và biến động lớn giữa các vùng khác nhau. Trong thời gian tới, vùng đất này rất cần những nghiên cứu sâu về kiến thức bản địa để giúp người dân lồng ghép vào kế hoạch phát triển nông nghiệp.