Dự án nhiệt điện Campuchia-Trung Quốc khuấy động dư luận

ThienNhien.Net – Trong số các thỏa thuận được ký kết trong chuyến công du tới Trung Quốc tuần này của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, hợp đồng xây dựng một nhà máy nhiệt điện trị giá 362 triệu USD tại tỉnh Sihanoukville giữa hai nước đang dấy lên mối lo ngại của cộng đồng và các tổ chức dân sự Campuchia.

Dự án nhà máy nhiệt điện tại khu công nghiệp Stoeng Hav với công suất 270MW đã được Hội đồng Bộ Trưởng Campuchia thông qua hôm thứ sáu tuần trước. Hợp đồng có thời hạn 33 năm này đã được giao cho Tập đoàn Phát triển Quốc tế Campuchia – một liên doanh giữa Campuchia và Trung Quốc.

Nhà máy dự kiến sẽ được khởi công vào năm tới và vận hành vào năm 2014. Bên cạnh dự án này, Bộ Công nghiệp, Khai khoáng và Năng lượng Campuchia còn lên kế hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện với tổng công suất 700MW quanh tỉnh Sihanoukville trong giai đoạn 2011-2015.

Với một nhà máy nhiệt điện có công suất 100MW hiện đang được xây dựng tại quận Stung Hav của tỉnh Preah Sihanouk, kế hoạch này đã khuấy động trở lại những lo ngại từ cộng đồng và các tổ chức xã hội dân sự về các tác động tiềm ẩn tới sức khỏe và môi trường.

Ngay sau khi dự án được công bố, các ý kiến quan ngại và phản đối từ cộng đồng dân cư vùng dự án và các tổ chức phi chính phủ Campuchia đã lập tức được tờ The Cambodia Daily 15/12/2010 đăng tải.

Chhit Sam Arth, chủ tịch Diễn đàn Các tổ chức Phi chính phủ ở Campuchia cho rằng chính phủ phải xúc tiến các nghiên cứu sâu về tác động môi trường của các dự án nhiệt điện như thế này vì địa điểm được phê duyệt là vùng duyên hải vốn rất có tiềm năng về du lịch và nghề cá: “Chúng tôi đồng ý rằng Campuchia cần điện nhưng chúng tôi kêu gọi chính phủ và các công ty triển khai dự án chú ý đến các tác động môi trường để không gây ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm và nước biển”.

Chhith Sam Ath, giám đốc điều hành của Diễn đàn NGO thì dẫn trường hợp một nhà máy nhiệt điện ở Thái Lan để bày tỏ quan ngại của mình đến dự án này: “Phần lớn các cộng đồng sống xung quanh dự án đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, mắc các bệnh như ung thư đường hô hấp, điếc và nguy hiểm cho sức khỏe thai phụ”, ông nói về tác động của một nhà máy nhiệt điện tại Thái Lan.

Um Deng, phó chủ tịch một hội nghề cá địa phương lại chia sẻ, ngay từ kế hoạch nhiệt điện đầu tiên, cộng đồng đã bày tỏ quan ngại nhưng tiếng nói của họ đã rơi vào khoảng không im lặng. Và ông lo ngại rằng kế hoạch nhiệt điện thứ hai này sẽ ảnh hưởng đến nghề cá, vốn là nguồn sống của 3.000 gia đình trong vùng.

Trong khi đó, khi được hỏi về đánh giá tác động môi trường của dự án này, giám đốc Ủy ban Đánh giá tác động môi trường của Bộ Công nghiệp, Khai Khoáng và Năng lượng Campuchia đã từ chối đưa ra bình luận. Còn một đại diện của Bộ này lại cho rằng dự án không ảnh hưởng đến môi trường ven biển bởi kết quả nghiên cứu đã cho thấy “mức phát thải carbon từ nhà máy là thấp hơn các tiêu chuẩn quốc tế.”

Campuchia năm ngoái đã chi 59 tỷ USD để nhập khẩu điện từ Thái Lan và Việt Nam. Dư luận hiện đang lo lắng về nhu cầu điện gia tăng và xu hướng sử dụng nguồn năng lượng than đá không thân thiện môi trường ở nước này.

Tuần này Công ty Chế biến và Xuất khẩu gạo Angkor Kasekam Roongroeung (AKR) của Campuchia đã tuyên bố sẽ vận hành nhà máy phát điện từ vỏ trấu có công suất 2,5MW vào đầu năm sau. Điện sản xuất được sẽ dành để vận hành nhà máy chế biến gạo và bán cho cộng đồng xung quanh với giá 0,22 USD/1kw, rẻ hơn mức giá 0,27 USD của chính phủ. Các nhà máy sản xuất điện từ vỏ trấu có thể trở thành một xu hướng triển vọng ở Campuchia. Công ty Golden Rice của Campuchia mới đây đã đầu tư 2 triệu USD vào nhà máy điện chạy bằng vỏ trấu, trong khi tổng vốn đầu tư của AKR là 6 triệu USD bao gồm cả chi phí đất đai.

 

Bạch Dương (tổng hợp)