Xuất lậu rác điện tử ở Anh

ThienNhien.Net – Cuối tháng 11 vừa qua, trên tờ Ecologists đăng một bài viết khá đặc biệt về vấn đề rác điện tử ở Anh. Cảnh báo về xu hướng xuất lậu rác điện tử gia tăng và sự dính líu của các nhóm tội phạm có tổ chức là một trong những điểm nhấn trong bài phân tích này.

Trước bài báo của tác giả Matilda Lee không lâu, Cục Môi trường của Anh đã hoàn thành vụ điều tra lớn nhất và tiến hành khởi tố 11 cá nhân, 4 công ty liên quan đến vận chuyển buôn bán  rác điện tử trái phép từ Anh sang các nước đang phát triển.

 
Theo luật pháp của Anh, Cục Môi trường là đầu mối nhận đăng ký các hoạt động môi giới, buôn bán rác điện tử và loại hàng hoá này cần được chứng minh nguồn gốc đầy đủ trên giấy tờ.
 
Điều đáng nói là trong khi cơ quan chức năng Anh lên tiếng kêu gọi người dân nên có trách nhiệm và cân nhắc kỹ hơn khi thải ra các đồ điện tử của họ, kết quả điều tra cho thấy chính bộ phận công quyền lại phớt lờ trách nhiệm của mình và thậm chí vi phạm.
 
Điều tra rác điện tử bị xuất lậu, người ta đã phát hiện rằng chúng có nguồn gốc từ một số cơ quan và văn phòng của chính phủ, song địa chỉ cụ thể đã không được cung cấp.
 
Một bằng chứng khác là tháng 7 vừa qua, Hội đồng nhân dân thành phố Plymouth đã bị Cục Môi trường Anh xử phạt 12 nghìn bảng, với cáo buộc đơn vị này thanh lý rác điện tử độc hại cho các công ty tái chế một cách dễ dãi vô trách nhiệm, không mảy may tính đến hậu quả.
 
Cảnh sát quốc tế Interpol cùng với Cục Môi trường Anh đã phát hiện những dấu vết dính dáng của tội phạm có tổ chức trong các vụ buôn bán rác điện tử trái phép. Đã có những dấu hiệu về một mạng lưới phi chính thức các nhóm tội phạm thu lời bất chính từ mặt hàng này. Theo điều tra của Interpol, những nhóm này thường thu về khoảng 450 Euro cho mỗi tấn rác xuất trót lọt.
 
Xuất khẩu rác điện tử nói chung, tuy giá trị không cao song lại là ngành siêu lợi nhuận, lời từ cả hai phía, nơi thải ra lẫn nơi tiếp nhận. Ở Anh, đơn vị kinh doanh còn được hưởng lợi từ các quy định luật pháp về Trách nhiệm nhà sản xuất.
 
Điều tra của Cục Môi trường Anh cũng cho biết “du lịch rác” là một trong những cách tiếp cận phổ biến của tội phạm rác điện tử ở nước này. Dưới danh nghĩa du lịch, những “du khách” từ châu Á và khu vực Tây Phi tới Anh tranh thủ thu gom vơ vét đồ điện tử thải loại. Các thủ đoạn qua mặt hải quan Anh thường là đánh tráo nhãn mác container hay độn rác điện tử vào bên trong các loại hàng hoá xuất hợp pháp khác, chẳng hạn như các loại ô tô xe máy quá “đát”. 
 
Xuất khẩu rác điện tử bằng con đường tiểu ngạch dẫn đến một nghịch lý ngay trong thị trường nội địa Anh, đó là tình trạng đói nguyên liệu của các doanh nghiệp tái chế trong nước. Có nhiều doanh nghiệp nguồn đầu vào chỉ đủ đáp ứng 1/2 đến 2/3 công suất. Doanh nghiệp tái chế Overton – đơn vị khởi xướng sáng kiến “Giây phút thông minh” nhằm giảm thiểu việc tái chế bằng cách tối đa hoá sửa chữa và tái sử dụng các linh kiện – cũng chỉ xử lý khoảng 25.000 tấn rác điện tử/năm so với công suất đăng ký 45.000 tấn/năm.
 
Doanh thu từ các thương vụ rác điện tử bất hợp pháp được truy ra ước lên đến 2 triệu bảng Anh. Con số này không gây bất ngờ đối với nhiều người dân Anh, bởi với lối sống và cách thải rác ở Anh hiện nay, rác điện tử đang có tốc độ gia tăng nhanh nhất, với khoảng hơn 6 triệu thiết bị (tức khoảng 1 triệu tấn) thải ra hàng năm và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.