ThienNhien.Net – Với nhiều nỗ lực và giải pháp hiệu quả, số lượng các bệnh viện (BV) có hệ thống xử lý chất thải đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua. Đồng thời, phần lớn cơ sở y tế thực hiện tốt việc quản lý chất thải y tế.
Kết quả quan trắc hàng năm của Bộ Y tế với các cơ sở y tế có nguy cơ cao (khoảng 30 BV mỗi năm) cho thấy, đa số các cơ sở y tế đã thực hiện tốt công tác quản lý chất thải y tế.
Đối với chất thải rắn, hiện gần 90% các BV đã thực hiện thu gom phân loại hàng ngày, hơn một nửa trong số đó quy trình thực hiện thu gom phân loại đạt yêu cầu theo đúng quy định. 44% các bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế (76,5% các BV Trung ương, 53% BV tuyến tỉnh và 37% BV huyện).
Tuy nhiên, các BV đa phần sử dụng lò đốt 2 buồng hoặc hợp đồng với công ty vệ sinh môi trường xử lý, một số còn tự đốt và chôn lấp trong khuôn viên BV. Tất cả 253 lò đốt 1 buồng, 128 lò đốt 2 buồng đều không có hệ thống xử lý khói thải khiến môi trường xung quanh vẫn bị ô nhiễm, hiệu quả sử dụng lại không cao.
Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế Nguyễn Huy Nga cho biết, hiện thế giới đã ứng dụng loại lò vi sóng để đốt rác thải y tế. Ưu điểm của loại lò này đó là điều kiện lắp đặt, sử dụng đơn giản, hiệu suất cao và không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, chi phí của loại lò vi sóng này khá đắt (4-5 tỷ đồng/lò) cho nên không phải cơ sở y tế nào cũng có đủ điều kiện lắp đặt.
Theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng về kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ngành Y tế có 84 cơ sở. Sau một thời gian đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải, hiện đã có 59 cơ sở (70%) đầu tư xây dựng mới và cải tiến hệ thống xử lý chất thải y tế, 25 cơ sở đang tiếp tục triển khai xử lý ô nhiễm triệt để.
53 cơ sở đã được công nhận ra khỏi danh sách gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 6 cơ sở đang làm thủ tục để được đưa ra khỏi danh sách này.
Cục Quản lý môi trường Y tế cũng đã ban hành nhiều tài liệu hướng dẫn về bảo vệ môi trường y tế như hướng dẫn xử lý nước thải y tế, rác thải y tế tại các trạm y tế…
Trong thời gian tới, ngành Y tế phấn đấu đạt mục tiêu 100% BV tuyến Trung ương, tư nhân, 70% tuyến tỉnh, 50% tuyến huyện, 70% trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh thực hiện xử lý chất thải y tế theo tiêu chuẩn đảm bảo môi trường.
Tất cả cơ sở thuộc hệ y tế dự phòng tuyến huyện thực hiện xử lý ban đầu chất thải trước khi xả ra môi trường. Những đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Y tế được hướng dẫn thực hiện công tác quản lý chất thải y tế. Cán bộ của trung tâm y tế dự phòng tỉnh, huyện được phổ biến hướng dẫn, tập huấn thực hiện bảo vệ môi trường trong ngành y tế.