ThienNhien.Net – Chương trình phê duyệt các quy trình chứng chỉ rừng (PEFC), đơn vị cấp chứng chỉ rừng quốc tế lớn nhất hiện nay vừa công bố tiêu chuẩn sửa đổi về quản lí rừng bền vững tại buổi họp Đại hội đồng lần thứ 14 của tổ chức này vào ngày 12/11/2010.
“Bản sửa đổi này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc cấp chứng chỉ rừng của PEFC, đặc biệt là việc đưa ra được các điều kiện về môi trường, xã hội, minh bạch và vai trò của các bên liên quan tham gia” – ông Ben Gunneberg, Tổng thư ký PEFC nhận định.
Cũng theo ông Gunneberg, các cơ hội cung cấp chứng chỉ rừng trên thế giới hiện rất lớn, tuy nhiên, đa phần các khu rừng được cấp chứng chỉ nằm ở phía Bắc bán cầu. Theo ông, nên xem xét thêm nhu cầu của việc cấp chứng chỉ rừng ở các nước có cơ cấu hành chính và việc quản lí ít thuận tiện hơn. Những quốc gia này chủ yếu nằm ở vùng nhiệt đới, châu Á, Nam Mỹ và châu Phi – nơi có diện tích rừng bị tổn thương lớn nhất, trong đó tiềm năng quản lý rừng sẽ giúp dân thoát khỏi đói nghèo và quyền lợi xã hội cũng được đề cao hơn.
Được biết, quá trình sửa đổi nội dung các tiêu chuẩn diễn ra trong vòng hai năm, với sự tham gia của đại diện các chủ rừng, các nhóm môi trường, công đoàn, người dân bản địa, các khu công nghiệp, khách hàng, cộng đồng khoa học và các bên liên quan. Việc PEFC phê duyệt các tiêu chuẩn sửa đổi nhằm mục đích giải quyết các vấn đề quan trọng như: chuyển đổi rừng, sử dụng hóa chất trong khi trồng rừng, sử dụng cây trồng biến đổi gen (GMOs), các khu rừng sinh thái quan trọng, giữ gìn phong tục và truyền thống của người bản địa, Tuyên bố về Người bản địa của Liên Hợp quốc và Công ước 169 của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO Convention 169) về người bản địa và các nhóm bộ tộc.
Dựa trên các yêu cầu đó, PEFC đã đưa ra tiêu chuẩn sửa đổi liên quan đến những vấn đề như: Thừa nhận nguyên tắc đồng thuận, tự do, báo trước và được cung cấp thông tin (FPIC) và Công ước ILO 169; Tham vấn người dân địa phương và các bên liên quan; Tôn trọng quyền sở hữu tài sản, đất đai cũng như các quyền về phong tục và truyền thống của người bản địa; Phù hợp với các quy tắc cơ bản của Công ước ILO 169; Yêu cầu về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp; Khuyến khích lao động địa phương; Nghiêm cấm chuyển đổi rừng; Bảo vệ các khu rừng sinh thái quan trọng; Cấm sử dụng các loại hóa chất nguy hiểm nhất; Cấm các loại cây biến đổi gen; Loại trừ chứng nhận của các đồn điền được thành lập do chuyển đổi; Tuân thủ mọi quy định của pháp luật.
Nhận định về nội dung tiêu chuẩn sửa đổi, Giáo sư Maharaj Muthoo, nguyên Giám đốc điều hành Hội đồng Quản lý rừng quốc tế (FSC) khẳng định, PEFC đến nay vẫn là tổ chức đầu tiên và duy nhất về cấp chứng chỉ rừng toàn cầu phù hợp với những quy tắc cơ bản của Công ước ILO. Việc quản lý rừng bền vững ở khắp mọi nơi của PEFC luôn đặt ra các yêu cầu về môi trường, xã hội và sự công nhận mạnh mẽ quyền của người dân bản địa – yếu tố làm nên “thương hiệu” của PEFC.
Tổ chức PEFC (Chương trình phê duyệt các quy trình chứng chỉ rừng) là một tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập vào năm 1999 với mục đích khuyến khích quản lý rừng bền vững thông qua việc cấp giấy chứng nhận của một tổ chức độc lập thứ ba. Cơ quan quyền lực cao nhất của PEFC là đại hội thành viên, trong đó quyền bỏ phiếu được chia cho các thành viên quốc gia theo tầm cỡ của ngành lâm nghiệp của quốc gia đó, và được quyết định theo đa số. Đại hội cử ra một Ban giám đốc để điều hành PEFC. Công việc hàng ngày của PEFC do một Tổng thư ký và một Ban thư ký điều hành. |