ThienNhien.Net – Trước và trong khi Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Cancun diễn ra, nhiều ý kiến đã lo ngại rằng cuộc đàm phán vốn còn nhiều chia rẽ sâu sắc sẽ lặp lại thất bại của Hội nghị Copenhagen hồi cuối năm ngoái. Tuy vậy, mặc dù không đạt được một thỏa ước toàn diện và làm yên lòng các nhà môi trường, các quốc gia tạm biệt Cancun cuối tuần vừa rồi cũng tạm hài lòng với những bước tiến nhỏ đạt được tại Hội nghị.
Những bước tiến nhỏ
Sau những thất vọng ban đầu, Hội nghị Cancun được đánh giá là một bước đi dù nhỏ nhưng đúng hướng, tuy con đường đến đích phía trước vẫn còn rất dài. Bởi lẽ, dù chưa đạt được một thỏa thuận toàn diện, làm tiền đề cho Nghị định thư Kyoto giai đoạn hai, gần 200 quốc gia có mặt tại Hội nghị đã đạt được một số thỏa thuận.
Trước tiên phải kể đến sự đồng thuận về việc thiết lập Quỹ khí hậu xanh tài trợ cho các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu. Quỹ này sẽ chi 100 tỷ USD một năm cho các nước nghèo tới năm 2020.
Các quốc gia cũng ghi nhận sự cấp thiết phải bảo vệ các cánh rừng nhiệt đới khỏi nạn phá rừng, thủ phạm gây ra trên 20% lượng khí nhà kính phát thải, với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính dành cho các nước đang phát triển giữ rừng. Các giải pháp cụ thể sẽ được bàn thảo tại vòng đàm phán tiếp theo tại Nam Phi.
Các nước phát triển tại Hội nghị đã cam kết triển khai các kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế carbon thấp, đưa ra những giải pháp để đạt được mục tiêu này bao gồm cả cơ chế dựa trên thị trường. Đồng thời, Ủy ban Triển Khai Công nghệ và Trung tâm Công nghệ Khí hậu cũng được thành lập nhằm tăng cường hợp tác về công nghệ, hỗ trợ các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Thêm nữa, Cơ chế phát triển sạch của Nghị định thư Kyoto sẽ tăng cường đầu tư tài chính và công nghệ vào các dự án môi trường và giảm thải bền vững ở các nước đang phát triển.
Đặc biệt, gần 200 quốc gia tại Hội nghị Cancun đã đồng ý giảm khí thải nhà kính với mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới 2 độ C so với thời tiền công nghiệp. Liên minh Châu Âu cam kết cắt giảm khí thải tới 30% so với năm 1990, vượt 10% mức cam kết trước đó.
Tuy nhiên những mục tiêu ràng buộc giảm thải chưa đạt được và vẫn còn khoảng cách lớn giữa những gì mà các quốc gia hứa hẹn với những gì mà các nhà khoa học cho rằng họ cần làm để bảo vệ sinh mạng của hàng triệu người và giúp họ an cư trước hiện tượng hạn hán, lũ lụt và giông bão ngày càng gia tăng cả về tần suất và mức độ.
Theo nhiều nhà khoa học khí hậu, thế giới cần có những thay đổi căn bản về mức phát thải và phương pháp tiếp cận với biến đổi khí hậu vào giữa thế kỷ này để tránh nguy cơ tăng nhiệt cao, có thể tới mức 4 độ C.
Thực tế là, những bước tiến nhỏ tại Hội nghị lần này chưa làm giới môi trường hài lòng. Theo họ, thành công chính của vòng đàm phán hai tuần ở Cancun chỉ đơn giản là tránh cho các vòng đàm phán về khí hậu khỏi một sự thất bại, xây dựng cơ sở để chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, đồng thời tái gây dựng lòng tin giữa các quốc gia giàu và nghèo về thách thức của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Tranh cãi xung quanh Nghị định thư Kyoto
Thất vọng lớn nhất tại Hội nghị Cancun lần này là đã không tạo ra bước tiến đáng kể nào trong việc triển khai giai đoạn tiếp theo của Nghị định thư Kyoto.
Giai đoạn đầu của Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012 vốn không ràng buộc Trung Quốc và Mỹ – hai quốc gia phát thải lớn nhất – và cũng không có điều khoản nào xác định liệu các nước đang phát triển có buộc phải cắt giảm khí thải hay các nước giàu phải thực hiện cắt giảm trước.
Tuy nhiên, các đại biểu dự hội nghị Cancun tin rằng họ đã tạo được nền tảng cho phép đi tới một thỏa thuận mong đợi vào cuối năm 2011 trong vòng đàm phán tiếp theo về biến đổi khí hậu tại Nam Phi.
Nhà đám phán khí hậu hàng đầu của Trung Quốc Xie Zhenhua cho biết thỏa thuận Cancun cho thấy là Nghị định thư Kyoto “vẫn còn sống”: “Tại hội nghị Nam phi, chúng ta sẽ thảo luận và đàm phán những nội dung quan trọng cho giai đoạn hai của Nghị định thư Kyoto. Các nước đang phát triển hy vọng vào những tiến bộ xa hơn về quỹ hỗ trợ, chuyển giao công nghệ và bảo vệ rừng”.
Nhật, Canada và Nga đầu tuần trước đã cho biết họ có thể không tham gia vào giai đoạn hai của Kyoto và đòi hỏi tất cả các nước phát thải chính bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ tham gia một thỏa thuận toàn cầu mới.
Tuy nhiên các nước đang phát triển lại khẳng định rằng các nước giàu tham gia Kyoto – những quốc gia phải chịu trách nhiệm về lượng phát thải của phần lớn nhiên liệu hóa thạch từ Cuộc cách mạng công nghiệp – phải kéo dài thỏa thuận tới sau năm 2012 trước khi buộc các nước nghèo cắt giảm khí thải.
Các nhà quan sát từ Châu Âu thì phê phán Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước phát thải lớn khác về việc từ chối giảm khí thải và cản trở nỗ lực tạo ra một hiệp định khung về cắt giảm khí thải.
Trong khi đó, các nhà môi trường quan ngại rằng các lãnh đạo toàn cầu đã không tiến đủ nhanh để giải quyết vấn đề khí hậu bất chấp những dấu hiệu rõ ràng về sự nóng lên toàn cầu. Giám đốc chính sách khí hậu quốc tế của Grenpeace, Wendel Trio, cho biết Hội nghị Cancun “có thể cứu vãn tiến trình đàm phán nhưng chưa đủ để cứu vãn khí hậu.”
Bạch Dương