ThienNhien.Net – Dựa trên nhiều nghiên cứu về chất lượng không khí được thực hiện qua các năm, cộng với dữ liệu thu được từ các trang web của chính phủ và các nguồn tư nhân, <i>Tạp chí 24/7 Wall St</i>, Mỹ mới đây đã công bố danh sách 10 thành phố có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới. Đáng chú ý là nhiều nơi trong số này đang trở thành trọng điểm phát triển kinh tế thế giới.
Các chỉ số chính được 24/7 Wall St sử dụng trong việc đánh giá ô nhiễm bao gồm khí lưu huỳnh đioxit (SO2), nitơ (N2) và các hạt chất thải gây ô nhiễm khác. Trong đó, lưu huỳnh đioxit thường được sản xuất trong quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch và là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng mưa axit. Tiếp xúc với loại khí này có thể gây kích ứng mắt, ho, hen suyễn và nhiễm trùng đường hô hấp. Khí nitơ phát sinh từ các máy phát điện, nhà máy điện và xe có động cơ. Còn các hạt chất thải khác, có thể gây nên căn bệnh ung thư phổi là chì, bụi, amoniac, muội than và bột khoáng chất.
Dưới đây là danh sách 10 thành phố có chất lượng không khí tồi tệ nhất theo tiêu chí xếp loại của 24/7 Wall St.
1) Bắc Kinh (Trung Quốc)
Bắc Kinh được ghi nhận là thành phố có nồng độ SO2 cao nhất thế giới từ năm 2000 đến năm 2005 và có mức cao thứ ba về chỉ số nitrogen dioxide (NO2), chỉ sau thành phố Sao Paulo của (Braxin) và Mexico City (Mêxicô). Chất lượng không khí tại đây đang ở mức cực kỳ nghiêm trọng, thường xuyên bị bao phủ bởi lớp khói mù độc hại. Nhiều trường học buộc phải hủy bỏ các hoạt động ngoài trời, còn các chuyên gia y tế thì khuyên trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp nên ở nhà.
Trong năm 2008, không khí ở Bắc Kinh từng được cải thiện ít nhiều do một nửa số xe của các quan chức bị cấm sử dụng trong quá trình tổ chức Thế vận hội. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, mọi thứ lại trở lại như cũ, ô nhiễm tiếp tục là nỗi ám ảnh đối với người dân nơi đây.
2) New Delhi (Ấn Độ)
Dữ liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, New Delhi đứng thứ hai về nồng độ các hạt ô nhiễm, cao gấp 6 lần so với mức an toàn mà WHO đưa ra. Tạp chí Harvard International Review, Mỹ cũng cho biết, 2/5 trong tổng số 13,8 triệu cư dân New Delhi hiện bị mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm là do khói xe và bụi đường. Điều này dễ khiến bộ phận công nhân xây dựng và lái xe taxi tại New Delhi có nguy cơ mắc bệnh suy nhược, thậm chí tử vong cao hơn bình thường.
3) Santiago (Chile)
Theo WHO, tỉ lệ bụi trong không khí của một thành phố không nên vượt quá 50 microgram/m3, nhưng tại Santiago con số này đã vượt mức 4 lần, vào khoảng 200 microgram/m3. Thậm chí, trong năm 2008, tỉ lệ bụi đo được tại thành phố này từng đạt kỉ lục 444 microgram/m3 trong một vài ngày. Đây cũng là nơi đứng thứ hai thế giới về mức độ ô nhiễm ôzôn mặt đất, theo khảo sát của WHO.
4) Mexico City (Mexico)
Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Salzburg, hầu hết các chất gây ô nhiễm không khí tại Mexico City đều có nồng độ cao, bao gồm cả khí lưu huỳnh (S2), oxit nitơ (NO) và các-bon monoxit (CO). Đó cũng là lí do khiến thành phố này thường xuyên bị những đám mây bụi lớn bao phủ. Mexico City hiện cũng là thành phố có mức ô nhiễm ôzôn mặt đất cao nhất thế giới, theo WHO.
5) Ulaanbaatar (Mông Cổ)
Ở Ulaanbaatar, nồng độ các hạt ô nhiễm trung bình năm cao gấp 14 lần so với mức khuyến cáo của WHO. Thành phố này thường xuyên bị sương mù bao phủ dày đặc, thậm chí xe ô tô phải sử dụng cả đèn pha để chiếu sáng giữa ban ngày.
6) Cairo (Ai Cập)
Dữ liệu gần đây của WHO xếp hạng Cairo là thành phố có nồng độ các hạt ô nhiễm đứng thứ hai thế giới, chỉ sau New Delhi. Một báo cáo khác của WHO cách đây vài năm cũng cho biết, một ngày hít thở không khí tại thành phố 7,8 triệu dân này tương đương với việc hút một gói thuốc lá. Vì Ai Cập không sử dụng xăng không pha chì nên hàng ngày người dân nơi đây vẫn thường xuyên tiếp xúc với lượng chì độc hại chì ở mức cao. Bên cạnh đó, thành phố này cũng được biết đến với tên gọi “đám mây đen”, tức chỉ một đám khói bụi độc dày đặc, được hình thành chủ yếu do việc đốt rơm, trấu sau vụ thu hoạch của bà con nông dân.
7) Trùng Khánh (Trung Quốc)
Là một trong những thành phố phát triển nhanh nhất của Trung Quốc, Trùng Khánh hiện đang có mức ô nhiễm không khí cực kỳ cao, chủ yếu là do việc đốt than trong các nhà máy điện và các ngành công nghiệp khác. Chất lượng không khí tồi tệ khiến tỉ lệ cư dân mắc bệnh tăng nhanh, gần 5% trẻ em dưới 14 tuổi bị mắc bệnh hen suyễn. Lượng oxit nitơ cũng ngày một cao do lượng khí thải xe ngày càng nhiều.
8) Quảng Châu (Trung Quốc)
Được coi là thủ phủ của tỉnh Quảng Đông với số dân 12 triệu người, Quảng Châu cũng đang là một trong những nơi có nồng độ các hạt ô nhiễm cao nhất Trung Quốc. Dữ liệu gần đây của WHO cho thấy, lượng SO2 của thành phố này chỉ đứng thứ hai sau Bắc Kinh. Tốc độ sản xuất công nghiệp và mật độ giao thông tại Quảng Châu cũng ngày càng một tăng, tỉ lệ thuận với lượng người mắc các chứng bệnh khó thở, ho, ốm yếu, chóng mặt và buồn nôn.
9) Hồng Kông
Đặc trưng nổi bật của vùng lãnh thổ này là tình trạng dư thừa lượng khí nitrogen dioxide, ôzôn, lưu huỳnh và các-bon monoxide. Chỉ số ô nhiễm không khí tại nhiều khu vực của Hồng Kông đã tăng lên 500, mức cao nhất có thể có. Năm nay cũng là năm có mức độ ô nhiễm không khí tồi tệ nhất kể từ năm 1995, khiến chính phủ Hồng Kông phải khuyến cáo người dân cẩn thận khi tổ chức các hoạt động ngoài trời. Mức ô nhiễm được cảnh báo cao gấp 12-14 lần so với tiêu chuẩn của WHO, vì vậy không quá ngạc nhiên khi cuộc thăm dò gần đây của Viện Gallup (Hàn Quốc) chỉ ra, 70% dân số Hồng Kông không hài lòng với chất lượng không khí mà họ đang chung sống.
10) Kabul (Afghanistan)
Những cuộc chiến kéo dài tại Afghanistan và gần đây là thảm họa lũ lụt kinh hoàng khiến những dòng người tị nạn tại Kabul rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực và ô nhiễm trầm trọng. Báo cáo của Đài Phát thanh NPR (Mỹ) cho biết, cơ sở hạ tầng của Kabul chỉ được thiết kế cho 500.000 cư dân nhưng hiện nay con số này đã lên tới gần 5 triệu người. Mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng do sự gia tăng nồng độ các hạt nguy hiểm trong không khí, khiến Tổng thống Hamid Karzai phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô này. Không khí ô nhiễm đang là vấn đề lớn của Kabul, gây nên nhiều loại bệnh tật về đường hô hấp, dị ứng, sẩy thai, thậm chí là ung thư.