ThienNhien.Net – Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) vừa chính thức yêu cầu Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) ngay lập tức đưa cá tra Việt Nam ra khỏi “danh sách đỏ” (sản phẩm không nên sử dụng) trong hướng dẫn tiêu dùng năm 2010 – 2011 ở 6 nước EU.
Vừa qua, một số sản phẩm cá tra Việt Nam (Pangasius) vừa bị các thành viên của WWF ở 6 nước EU (Đức, Áo, Thuỵ Sỹ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch) chuyển từ “danh sách vàng” (sản phẩm có thể cân nhắc sử dụng) sang “danh sách đỏ” (sản phẩm không nên sử dụng) trong các bản hướng dẫn người tiêu dùng năm 2010-2011 ở các nước đó.
Ngày 08/12, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức họp báo về sự việc trên. Trước đó, Tổng cục Thủy sản và WWF Việt Nam cũng đã có cuộc đối thoại riêng về vấn đề này.
Cá tra Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn
Tổng cục Thủy sản cho biết, từ năm 1999 đến nay, Việt Nam đã triển khai chương trình kiểm soát dư lượng hóa chất trong thủy sản nuôi, đặc biệt là cá tra. Việc nuôi cá tra được kiểm soát nghiêm ngặt từ khâu quy hoạch hệ thống ao nuôi, khu xử lý nước thải, nước cấp, quy trình chăm sóc, quản lý, thức ăn, chất lượng con giống, thú y cho đến khâu chế biến sản phẩm.
Cá tra Việt Nam đang được nuôi trong ao cũng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của hệ thống quản lý SQF 1000 QM do Hiệp hội Tiếp thị thực phẩm (FMI) Mỹ làm chủ sở hữu và điều hành. Nhờ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của EU, Australia, Mỹ, Nhật Bản… cá tra Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, cá tra hiện tại được Chính phủ xác định là một trong những sản phẩm chiến lược quốc gia. Sản lượng xuất khẩu cá tra hiện đạt khoảng từ 1,3 – 1,5 triệu tấn. Việt Nam đang cung cấp khoảng 95% tổng sản lượng cá tra cho thị trường thế giới.
Liên quan đến vấn đề chất lượng sản xuất cá tra, theo ông Phạm Anh Tuấn, thời gian qua cá tra là mặt hàng phát triển với số lượng và chất lượng rất tốt, dự kiến sẽ đạt kim ngạch khoảng 1,4 tỷ USD trong năm 2010.
Từ phía Chính phủ, Hiệp hội cho tới các địa phương và người nuôi cá tra đã làm rất nhiều việc để nâng cao vị thế và chất lượng cá tra Việt Nam.
Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Thủy sản đến năm 2020, trong đó trọng tâm là hướng tới phát triển bền vững. Đề án phát triển cá tra cũng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Bộ cũng đã ban hành những thông tư quy định, điều kiện của các cơ sở nuôi cá tra đảm bảo vệ sinh an toàn và bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn quốc tế. Việc ứng dụng quy phạm thực hành nuôi tốt đang được triển khai mạnh mẽ tại các địa phương và cơ sở nuôi cá tra.
Như vậy có thể thấy việc nuôi cá tra ở Việt Nam được quản lý chặt chẽ, khoa học, đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đã được người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới ưa chuộng.
Yêu cầu WWF đưa cá tra Việt Nam ra khỏi danh sách đỏ
Tổng cục Thủy sản đã yêu cầu WWF ngay lập tức đưa cá tra Việt Nam ra khỏi danh sách đỏ này.
Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, WWF đã đi ngược lại nguyên tắc của chính mình trong quá trình xây dựng tiêu chí cũng như thực hiện báo cáo đánh giá xếp hạng đối với sản phẩm cá tra của Việt Nam. Bởi lẽ, trong quá trình làm việc của WWF với các bên liên quan, từ người nuôi cá đến các cơ quan quản lý địa phương, Trung ương của Việt Nam đều không được tham vấn.
Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, nếu bản đánh giá xếp hạng cá tra Việt Nam căn cứ vào môi trường là hoàn toàn sai. Trước hết, phần lớn thức ăn của cá tra hiện tại được sử dụng ở Việt Nam chính là sản phẩm của những hãng có uy tín trên thế giới và tuân theo điều kiện và tiêu chuẩn nuôi cá tra của thế giới.
Về phía WWF Việt Nam, tuy không tham gia trực tiếp vào quá trình đánh giá này nhưng cho đến tận sáng 08/12, WWF Việt Nam cũng chưa có bộ tiêu chí và báo cáo đánh giá trên. WWF Việt Nam đã hứa trong thời gian sớm nhất sẽ cung cấp tiêu chí đánh giá và báo cáo xếp hạng cho Việt Nam.
Do đó, Tổng cục Thủy sản đã đề nghị khi chưa có những điểm rõ ràng về mặt tiêu chí, số lượng báo cáo đánh giá thì đề nghị WWF Việt Nam phải có ý kiến chính thức đề nghị WWF ở các nước đã đưa cá tra vào danh sách đỏ phải dỡ bỏ ngay.
Ông Tuấn cũng cho rằng, trong thời gian qua WWF đã làm được rất nhiều việc và có hợp tác tốt với các tổ chức phi Chính phủ khác, đóng góp vào sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên sự việc trên là điều rất đáng tiếc, ảnh hưởng tới những việc làm tốt trước đây của WWF.
Hội Nghề cá Việt Nam cũng vừa có Công văn số 181/HNC gửi WWF đề nghị đính chính lại thông tin trên và không được đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ. WWF tại Việt Nam phải thông tin rõ ràng vấn đề này cho thế giới hiểu để có đánh giá khách quan, khoa học.