ThienNhien.Net – Hướng tới việc sản xuất lúa và nuôi cá tra bền vững, các địa phương đồng bằng sông Cửu Long cần đầu tư mạnh mẽ cho ứng dụng các giải pháp khoa học – công nghệ trong chọn tạo giống lúa năng suất cao, kháng sâu bệnh, thích nghi với biến đổi khí hậu.
Ngày 07/12, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND TP Cần Thơ đã phối hợp tổ chức Hội thảo: “Đồng bằng sông Cửu Long trồng lúa, nuôi cá tra theo hướng bền vững”.
Thời gian qua những thành công trong phát triển nông nghiệp, khai hoang, thủy lợi, lai tạo giống nên đã giúp nâng sản lượng lúa khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ 4,2 triệu tấn (1976) lên 21 triệu tấn (2010). Năng suất nuôi cá tra tăng từ 17 tấn/ ha (1997) lên 250 tấn/ ha (2009).
Cùng thời gian này, sản lượng cá tra từ 23.250 tấn tăng lên trên 1 triệu tấn. Nhiều vùng nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn SQF 1000, Global GAP.
Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo hiện vẫn còn còn thiếu giống lúa năng suất, chất lượng cao; công nghệ chế biến chưa đồng bộ, hệ thống kho phục vụ bảo quản, chế biến thiếu. Riêng nghề nuôi cá tra tại khu vực này còn nhỏ, quy hoạch chưa triệt để; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa nuôi trồng và chế biến.
Để hướng tới sản xuất lúa và nuôi cá tra bền vững, các đại biểu dự Hội thảo cho rằng các địa phương trong khu vực cần đầu tư mạnh mẽ cho công tác ứng dụng các giải pháp khoa học – công nghệ trong chọn tạo giống lúa năng suất cao, phẩm chất tốt, kháng sâu bệnh, thích nghi với biến đổi khí hậu; khôi phục, phát triển loại hình kinh tế hợp tác để tạo thuận lợi cho đầu tư, liên kết sản xuất lớn, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, trong đó liên kết 4 nhà phải được quan tâm hàng đầu.
Đối với cá tra, cần thống nhất quy trình nuôi bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuẩn quốc tế; ban hành qui chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật cá tra nguyên liệu, thức ăn nuôi cá để có cơ sở kiểm tra, quản lý chất lượng trong sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối mặt hàng này…