ThienNhien.Net – Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở xã Canh Nậu (Thạch Thất, Hà Nội) luôn phải sống trong bầu không khí ô nhiễm, có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm xoang… cao. Nguyên nhân chính là do hàng ngày có tới hàng tấn bụi mùn cưa, nước sơn gỗ độc hại do các khu sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ thải ra môi trường xung quanh.
Canh Nậu là một trong những làng nghề làm mộc truyền thống. Nghề gỗ đã mang lại cho Canh Nậu một diện mạo mới, nhà cao tầng rầm rộ mọc lên, kinh tế đổi thay rõ nét… Thế nhưng do sự phát triển manh mún, thiếu quy hoạch của làng nghề và sự thiếu ý thức của người dân, môi trường nơi đây ngày càng bị hủy hoại, ô nhiễm nặng nề.
Nghề làm mộc ở Canh Nậu vốn có lịch sử lâu đời. Toàn xã có 2.760 hộ thì có tới 435 hộ làm nghề. Nghề mộc phát triển mạnh trong những năm gần đây đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nhàn rỗi tại địa phương. Thế nhưng tình trạng ô nhiễm cũng vì thế mà tăng lên.
Trên con đường nhỏ dẫn vào Canh Nậu, dễ dàng bắt gặp những xưởng gỗ đang tấp nập bào, cưa, gia công, đánh bóng… Kèm theo tiếng ồn của tiếng cưa, bào, đục là bụi mùn cưa bốc lên mù mịt.
Chúng tôi được chị Nguyễn Thị Hạnh ở thôn 2 cho biết: “Trước đây không khí trong lành lắm, nhưng mấy năm trở lại đây, sản xuất đồ gỗ phát triển, bụi bặm ngày càng nhiều, ngày nào đi làm qua làng, mình cũng phải khoác tạm chiếc áo mưa, đeo khẩu trang kín mít, thế mà vẫn không ăn thua, bụi vẫn xộc thẳng vào mặt mũi”.
Đi dạo một vòng quanh thôn 4 chúng tôi được tận mắt chứng kiến những cơn “bão bụi” mà các chủ lò xả ra. Chỉ chưa đầy 15 phút mà cả thôn đã mịt mù trong bụi. Lớp bụi bốc lên như sương mù, khoảng cách 10m đã không nhìn rõ mặt người, mặt đường. Nếu gặp mưa phùn, lớp bụi đóng lại thành cục đen sì như bột than.
Để khắc phục tình trạng này nhiều hộ dân đã căng bạt, ni lông quanh nhà để hạn chế bụi nhưng rồi cũng chẳng ăn thua, chẳng mấy chốc bụi lại bám đầy đồ đạc trong nhà. Thế nên nhà nào nhà nấy quanh các xưởng mộc đều chọn cách đóng cửa im ỉm.
Không những phải hứng chịu những cơn “bão bụi” mà người dân nơi đây còn thường xuyên phải tiếp xúc với tiếng ồn và mùi sơn gỗ độc hại, gây nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp như viêm xoang, viêm phế quản, viêm da dị ứng, viêm kết giác mạc, viêm họng hạt…
Cả thôn 4 như một công trường lớn, ồn ã và bụi bẩn. Âm thanh đầu tiên là những tiếng máy cắt kêu inh tai, tiếng cưa xé gỗ chát chúa, thêm cả tiếng động cơ xình xịch của những chiếc máy phun sơn đang hoạt động hết công suất.
Thiết nghĩ để nghề truyền thống có thể bền vững với thời gian, làng mộc Canh Nậu cần có hướng phát triển vừa đảm bảo kinh tế nhưng vẫn gìn giữ được môi trường và sức khỏe của người dân.