ThienNhien.Net – Nghị định số 113/2010/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 3/12 đã quy định rất rõ cách thức xác định thiệt hại đối với môi trường, bao gồm các trường hợp phải xác định thiệt hại; cách thu thập dữ liệu, chứng cứ; cách tính toán thiệt hại và trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Cụ thể, việc xác định thiệt hại sẽ được thực hiện trong 4 trường hợp sau: 1- Môi trường nước phục vụ mục đích bảo tồn, sinh hoạt, giải trí, sản xuất và mục đích khác bị ô nhiễm, bị ô nhiễm ở mức nghiêm trọng hoặc ở mức đặc biệt nghiêm trọng. 2- Môi trường đất phục vụ cho các mục đích bảo tồn, sản xuất và mục đích khác bị ô nhiễm, bị ô nhiễm ở mức nghiêm trọng hoặc mức đặc biệt nghiêm trọng. 3- Hệ sinh thái tự nhiên thuộc và không thuộc khu bảo tồn thiên nhiên bị suy thoái. 4- Loài được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật bị chết, bị thương.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng nêu rõ, việc tính toán thiệt hại đối với môi trường căn cứ vào chi phí khắc phục ô nhiễm, suy thoái và phục hồi môi trường tại nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái để đạt các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với chất lượng môi trường nước, chất lượng môi trường đất; chi phí để phục hồi hệ sinh thái và loài được ưu tiên bảo vệ bằng hoặc tương đương với trạng thái ban đầu.
Các tổ chức, cá nhân làm môi trường ô bị ô nhiễm, suy thoái phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với môi trường do mình gây ra, đồng thời phải chi trả toàn bộ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại cho cơ quan đã ứng trước kinh phí.
Trường hợp có từ 2 tổ chức, cá nhân trở lên làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định tương ứng với tỉ lệ gây thiệt hại trong tổng thiệt hại đối với môi trường.
Nghị định sẽ không áp dụng đối với các trường hợp thiệt hại môi trường do thiên tai gây ra hoặc các trường hợp bất khả kháng do phải tuân theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.