ThienNhien.Net – Thế giới thêm một lần nữa nhận được cảnh báo về những tác động và rủi ro mà biến đổi khí hậu có thể mang lại sau khi bản báo cáo mới nhất về chỉ số “tổn thương do biến đổi khí hậu” của Công ty Tư vấn Rủi ro toàn cầu Maplecroft (Anh) chính thức được công bố. Theo Báo cáo này, Việt Nam được xếp thứ 13, nằm trong nhóm các nước "cực kỳ rủi ro" trước biến đổi khí hậu.
Báo cáo dựa trên kết quả đánh giá mức độ rủi ro tại 170 quốc gia trong 3 thập kỉ tới. Kết quả cho thấy, không chỉ có các nước nghèo chịu tác động từ biến đổi khí hậu mà ngay cả những nền kinh tế quan trọng bậc nhất thế giới và tăng trưởng nhanh nhất cũng sẽ phải đối mặt với những rủi ro lớn nhất về dân cư, hệ sinh thái và môi trường kinh doanh.
Dựa trên 42 thông số về xã hội, kinh tế và môi trường như mức độ tổn thương trước thiên tai, mức nước biển dâng, xu thế dân số, sự phát triển kinh tế, tài nguyên, mức độ phụ thuộc vào nông nghiệp, hệ thống y tế, cơ sở hạ tầng và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của các quốc gia…, Bản báo cáo đã đưa ra bảng xếp hạng về mức độ rủi ro của từng quốc gia, khu vực.
Trên tổng số 170 quốc gia được khảo sát, có 16 quốc gia lọt vào nhóm “cực kỳ rủi ro”, dẫn đầu là các nước thuộc vùng Nam Á bao gồm Bangladesh (1), Ấn Độ (2), Madagascar (3), Nepal (4). Tiếp theo là các quốc gia đến từ Đông Phi và Đông Nam Á, bao gồm Mozambic (5), Philippines (6), Haiti (7), Afghanistan (8) Zimbabwe (9), Myanmar(10), Ethiopia (11), Campuchia (12), Việt Nam (13), Thái Lan (14), Malawi (15) và Pakistan (16).
Các nước thuộc nhóm này vốn được đặc trưng bởi tỉ lệ nghèo cao, dân số đông, lệ thuộc nhiều vào nông nghiệp, năng lực ứng phó hạn chế. Tuy nhiên, một số lại đang có tiềm năng trở thành những nền kinh tế trọng điểm trên thế giới.
Trong khi đó, 11 nước được cho là ít bị ảnh hưởng nhất lại nằm ở vùng Bắc Âu, gồm Na Uy (170), Phần Lan (169), Iceland (168), Ireland (167), Thụy Điển (166) và Đan Mạch (165). Các nước Nga (117), Mỹ (129), Đức (131), Pháp (133) và Anh (138) thuộc nhóm “rủi ro trung bình”; còn Trung Quốc (49), Brazil (81) và Nhật Bản (86) nằm trong nhóm “rủi ro cao”.
TS. Anna Moss, Chuyên gia phân tích môi trường tại Maplecroft nhận định, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, biến đổi khí hậu đang gia tăng cường độ và tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Điểm đáng lưu ý là chỉ một thay đổi rất nhỏ về nhiệt độ cũng có thể tác động rất lớn đến môi trường sống của con người, bao gồm sự thay đổi về nguồn nước, sản lượng lương thực, tình trạng mất đất do nước biển dâng và dịch bệnh ngày càng lan rộng.