ThienNhien.Net – Chuẩn bị cho hội nghị thường niên lần thứ 44 sẽ diễn ra tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tổ chức cuộc họp nhanh thông báo sự kiện này cho một số tổ chức xã hội dân sự (XHDS) và tổ chức phi chính phủ trong nước và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Ông Chris Morris cho biết trong 4 ngày hội nghị (từ 3 – 6/05/2011), bên cạnh các phiên họp chính thức cấp bộ trưởng, sẽ có chương trình đối thoại giữa ADB với các tổ chức XHDS (Chương trình XHDS).
Sự phát triển và mở rộng lĩnh vực tài trợ, cấp vốn vay của ADB cho các quốc gia thành viên trong những năm qua thu hút sự chú ý của ngày càng nhiều tổ chức xã hội dân sự trong khu vực cũng như từ các quốc gia bên ngoài.
Một trong những mối quan tâm lớn của các tổ chức này là giám sát việc Ngân hàng và các đơn vị thực hiện dự án tuân thủ chính sách an toàn và công bố công tin của Ngân hàng, đồng thời cải thiện các chính sách an toàn, chính sách thông tin của Ngân hàng ngày càng chặt chẽ hơn hướng đến thúc đẩy công bằng xã hội và phát triển bền vững thực sự.
Trong các chương trình XHDS trước đây của ADB, một trong những điểm nhấn là việc tổ chức các nhóm thảo luận. Đây là cơ hội để các tổ chức XHDS tham gia đối thoại, chia sẻ thông tin và chất vấn đại diện của ADB, một số quan chức nhà nước và các nhà nghiên cứu.
Ông Chris Morris, Trưởng ban Trung tâm các tổ chức XHDS và phi chính phủ của ADB, cho biết Ngân hàng có chương trình hợp tác với khối xã hội dân sự, với mục tiêu nhằm tăng cường hiệu quả, tính ổn định và chất lượng dịch vụ mà ngân hàng cung cấp. Hiện nay, các lĩnh vực hợp tác giới hạn trong ba mảng: chính sách, chiến lược quốc gia và các cấp dự án (ADB không hỗ trợ các khoản vay ưu đãi nhỏ).
ADB kỳ vọng trong cuộc họp tới sẽ diễn ra tại Hà Nội, sẽ có nhiều tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội dân sự tham gia hơn, phạm vi vấn đề và các quan điểm trao đổi cũng sẽ được mở rộng hơn.
ADB là ngân hàng phát triển đa phương gồm 67 thành viên (48 thành viên trong khu vực, 19 thành viên ngoài khu vực). Việt Nam là một trong số các thành viên sáng lập của Ngân hàng vào năm 1966. Tuy nhiên, hoạt động của Ngân hàng tại Việt Nam đã gián đọan trong 13 năm, từ 1979 -1992, sau đó được nối lại kể từ năm 1993. ADB đã hỗ trợ 99 chương trình dự án thông qua chính phủ Việt Nam với tổng giá trị tích luỹ là 8 tỉ USD (từ 1993), 245 dự án tài trợ hỗ trợ về kỹ thuật ước khoảng 188, 4 triệu USD và 24 dự án khác với tổng giá trị 139, 1 triệu USD. Tính đến tháng 4/2009, Việt Nam nắm giữ 0,34% cổ phần của ADB và có tỉ lệ phiếu biểu quyết là 0,57%. |