ThienNhien.Net – Biến đổi khí hậu sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến toàn bộ môi trường sống của con người và tự nhiên, tạo nên những thách thức to lớn đối với sự phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn.
Ngày 04/12, tại Đà Nẵng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cùng Viện Kiến trúc đã phối hợp tổ chức hội thảo “Đô thị Việt Nam với biến đổi khí hậu” nhằm tập trung phân tích những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với Việt Nam, qua đó cùng nhau tìm cách hoạch định lại chiến lược, đưa ra giải pháp, cách thức ứng phó với BĐKH trong phạm vi kiến trúc: quy hoạch đô thị, thiết kế nhà ở, …
Các đại biểu dự hội thảo có chung nhận định, các đô thị, đặc biệt là đô thị ven biển sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Mật độ đô thị và dân số ngày càng tập trung ven sông, biển sẽ gia tăng nguy cơ phát triển thiếu bền vững đối với các vùng nhạy cảm với BĐKH như ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng duyên hải miền Trung. Tác động của nước biển dâng là nguy cơ lớn nhất đang hiện hữu và gia tăng theo thời gian đối với không gian phát triển khu dân cư.
Hạn hán và bão lũ liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây ở khu vực miền Trung, triều cường tại thành phố Hồ Chí Minh, sự bất thường trong mùa lũ tại ĐBSCL là một minh chứng của tác động BĐKH đến các đô thị và cộng đồng dân cư sinh sống.
Phát triển đô thị không theo quy hoạch cũng là nguyên nhân góp phần làm gia tăng hiện tượng BĐKH. Gia tăng dân số, đô thị hóa mạnh mẽ (29,6%) gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính, sử dụng lãng phí tài nguyên … cũng góp phần làm Trái đất “lên tiếng”.
Các đại biểu dự Hội thảo cho rằng, cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn trong quy hoạch đô thị, đổi mới phương pháp quản lý phát triển đô thị; đổi mới thể chế quy hoạch đô thị; quy hoạch đô thị phải phát triển bền vững như đô thị “xanh”, thành phố môi trường, đô thị sinh thái, thành phố “đáng sống” … Mặt khác, ứng phó với biến đổi khí hậu không thể tách rời việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia của cộng đồng và tăng cường hợp tác quốc tế.
Theo KTS Bạch Tiên Sinh, khi xây dựng quy hoạch thành phố cần có tầm nhìn ít nhất đến 50 – 100 năm. Còn PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh lưu ý cần tiết kiệm năng lượng; sử dụng các biện pháp đối phó với BĐKH mà không thay đổi quan điểm sống chung với sự thất thường của thời tiết, tự nhiên…
Hội thảo đã góp thêm những ý kiến để xây dựng định hướng phát triển đô thị có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như xác định nhận thức, trách nhiệm của giới KTS Việt Nam trong vấn đề ứng phó với BĐKH.