ThienNhien.Net – Lễ hội Sinh vật cảnh và Thương mại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2010 đã khai mạc tối 01/12/2010 tại tỉnh Đồng Tháp với sự tham gia của hơn 500 gian hàng sinh vật cảnh và thương mại của các nghệ nhân và doanh nghiệp trên cả nước.
Đây là lễ hội sinh vật cảnh quy mô hoành tráng nhất từ trước tới nay trong khu vực ĐBSCL là hoạt động trong Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia năm 2010.
Lễ hội mang tầm vóc quốc gia do UBND tỉnh Đồng Tháp đăng cai tổ chức nhân dịp tổng kết 30 năm khai thác vùng Đồng Tháp Mười và khánh thành công trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh)- một trong những di tích văn hóa lịch sử và điểm tham quan hàng đầu dành cho khách du lịch khi đến Đồng Tháp.
Diễn ra trong thời gian 5 ngày (từ 01-05/12), ngoài việc thưởng lãm các sản phẩm sinh vật cảnh trưng bày tại Lễ hội, khách tham quan còn được hòa mình trong không khí lễ hội vui tươi, hấp dẫn với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật phong phú, như hội thi kết và tạo hình trái cây; hội thi nấu ăn “món ngon Nam Bộ”; thi ảnh nghệ thuật sinh vật cảnh “Hương sắc đồng bằng”; thi thiết kế thời trang, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, đờn ca tài tử Nam Bộ; đêm hội ngộ các kỷ lục gia; biểu diễn các trò chơi dân gian…
Bên cạnh các hoạt động văn hóa, Lễ hội còn là nơi giới thiệu, quảng bá thành tựu phát triển kinh tế – xã hội và tiềm năng của Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, thương hiệu hàng đầu của các doanh nghiệp trong vùng…
Phát biểu khai mạc Lễ hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng cho biết, nghề nuôi trồng sinh vật cảnh đã trở thành một ngành kinh tế đặc biệt của đất nước, có tiềm năng phát triển rất tốt, đang nuôi sống hàng ngàn gia đình nông dân, nghệ nhân.
Lễ hội Sinh vật cảnh và Thương mại ĐBSCL lần này có ý nghĩa rất độc đáo. Đây là sự kết hợp giữa việc phát triển thương mại với phát triển một ngành kinh tế mang đậm nét văn hoá dân gian.
Lễ hội sẽ là cơ hội tốt nhất để giới thiệu các giá trị sinh vật cảnh, có ý nghĩa quan trọng trong việc trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến giao thương và định hướng thị trường sinh vật cảnh của các nghệ nhân đến từ nhiều vùng, miền khác nhau trong cả nước.
Đồng thời, Lễ hội là dịp đẩy mạnh việc sản xuất và tiêu thụ, thông qua các đối tác tham dự hội chợ và các khách hàng từ nhiều nơi trong và ngoài nước đến tham quan hội chợ; thiết lập các mối quan hệ hợp tác sản xuất và kinh doanh của các nghệ nhân và các doanh nghiệp…
Thông qua đó, củng cố và phát triển nghề nuôi trồng sinh vật cảnh đi vào chiều sâu và ổn định, làm cho các sản phẩm sinh vật cảnh đạt chất lượng ngày càng cao, đủ sức cạnh tranh và xuất khẩu…