ThienNhien.Net – Ngày 30/11, Viện Kinh tế Sinh thái (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp với Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (FAO) đã tổ chức Hội thảo: "Quản lý rừng tự nhiên – những thách thức và tồn tại".
Nhiều vấn đề liên quan đến quản lý rừng tự nhiên đã được các đại biểu tập trung thảo luận như nghiên cứu tác động một số chính sách lâm nghiệp, phát triển rừng tự nhiên ngập mặn, triển vọng thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, quản lý rừng dựa vào cộng đồng…
Để nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng tự nhiên, PGS.TS Vương Văn Quỳnh, Viện Sinh thái rừng và Môi trường, Trường Đại học Lâm nghiệp đã đề xuất 7 giải pháp như đẩy mạnh thâm canh rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi động vật rừng, thị trường lâm sản, tăng cường chế biến lâm sản, khai thác sự hỗ trợ quốc tế, hoàn thiện một số chính sách liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên.
Hiện nay, việc kinh doanh rừng hiện tại thực sự mang tính quảng canh, dựa vào tự nhiên là chính. Hàm lượng chất xám trong sản phẩm công nghiệp có thể lên đến 95%, trong sản phẩm nông nghiệp 20%, còn trong sản phẩm lâm nghiệp ước tính chỉ dưới 5%. Đầu tư thấp là nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiệu quả kinh doanh không cao trong sản xuất lâm nghiệp, khai thác vượt quá khả năng phục hồi đang làm giảm tính bền vững của sản xuất lâm nghiệp.
Một trong những con đường khả thi nhất để nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng ở vùng cao là kinh doanh lâm sản ngoài gỗ. Ưu điểm quan trọng của phát triển lâm sản ngoài gỗ là cho sản phẩm hàng hóa giá trị cao nhưng khối lượng nhỏ, không đòi hỏi phương tiện và đường vận chuyển hiện đại.
Ngoài ra, phương thức này luôn chỉ hướng vào một phần nhỏ sinh khối của rừng như lá, hoa, quả, nhựa, một phần dây leo, cây bụi hay thân thảo… không ảnh hưởng đáng kể đế cấu trúc và sinh khối của rừng và không làm suy giảm những giá trị sinh thái của rừng.
Tuy nhiên, song song với khai thác cần khắc phục một số tồn tại cho phát triển lâm sản ngoài gỗ ở miền núi là tập quán khai thác cạn kiệt tài nguyên của người dân địa phương, tính tự do tiếp cận tài nguyên, thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển thị trường, thiếu nghiên cứu hỗ trợ công nghệ gây trồng, chăm sóc, khai thác và chế biên lâm sản ngoài gỗ.
Phát triển chăn nuôi động vật rừng vừa là hoạt động cung cấp sản phẩm cho xã hội vừa là yếu tố góp phần tăng thu nhập từ rừng và phát triển kinh tế miền núi nói chung vì với diện tích rộng và nguồn thức ăn dồi dào, miền núi thực sự là địa bàn lý tưởng cho hoạt động này.
Phần lớn các lâm sản hiện nay đều được bán dưới dạng sản phẩm thô chưa qua chế biến, hoặc chỉ sơ chế làm cho giá cả của hàng hóa lâm sản rất thấp. Vì vậy, việc hỗ trợ cho phát triển nghiên cứu và chế biến lâm sản là một trong những yếu tố chủ đạo góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh rừng. Thị trường yếu và sai lệch cũng là nguyên nhân sâu xa cản trở quản lý rừng bền vững ở miền núi.
Các đại biểu dự hội thảo cũng cho rằng cần nâng giá hàng hóa lâm sản bằng những giải pháp phù hợp với quy luật của cơ chế thị trường như phát triển vùng nguyên liệu tập trung, tổ chức những cơ sở thu mua hàng hóa tại địa phương, đổi mới công nghệ khai thác và bảo quản, khuyến khích những hợp đồng cam kết sản xuất và tiêu thụ lâm sản…
Để thúc đẩy hoạt động bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên, Việt Nam cần bổ sung và hoàn thiện việc rà soát, phúc tra công tác giao đất, khoán rừng nhằm hỗ trợ người dân và cộng đồng xác định rõ ranh giới, diện tích, đặc điểm tài nguyên rừng, hướng quản lý sử dụng, đồng thời cụ thể hóa chính sách về cơ chế hưởng lợi từ việc khoanh nuôi bảo vệ, xây dựng và phát triển rừng. Nhà nước cần ban hành các hướng dẫn, tiêu chuẩn kỹ thuật về khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên, xây dựng các mô hình kinh doanh rừng tự nhiên có hiệu quả kinh tế cao, xác định giá trị sinh thái môi trường rừng. Đây là cơ sở khoa học cho việc xây dựng và tổ chức thực hiện những chính sách trong sản xuất lâm nghiệp.