ThienNhien.Net – Năm nào cũng vậy, khi những đợt không khí lạnh đầu đông bắt đầu tràn xuống các tỉnh miền núi phía Bắc, cũng là lúc một bộ phận không ít bà con các dân tộc vùng cao huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai bước vào “mùa” phá rừng lấy than hoa.
Là điểm du lịch nổi tiếng nên Sa Pa thu hút rất đông khách du lịch, kéo theo đó là nhu cầu dùng than hoa để sưởi và phục vụ các thực đơn nướng. Đặc biệt, vào mùa đông, các món nướng lại càng trở nên hấp dẫn và thu hút nhiều thực khách. Đồng nghĩa với nó là than hoa cũng được sử dụng nhiều hơn, những cây rừng ngã xuống nhiều hơn.
Theo ước tính của một chủ nhà hàng ở thị trấn Sa Pa, lượng than hoa được tiêu thụ mỗi ngày ở Sa Pa có thể lên đến hàng trăm kg, đó là chưa kể hiện nay một số khách sạn, nhà nghỉ ở đây đã đưa hệ thống lò sưởi bằng than vào phục vụ khách du lịch ngay trong phòng nghỉ.
Và không chỉ riêng ở thị trấn Sa Pa mà ở hầu hết các thị trấn, thành phố trên địa bàn tỉnh Lào Cai đều có nhu cầu dùng than hoa để phục vụ các món nướng. Có cầu ắt có cung. Nắm bắt được nhu cầu than hoa ngày càng tăng, rất nhiều bà con dân tộc ở các bản vùng sâu, vùng xa của huyện Sa Pa đã vào rừng chặt gỗ đốt than đem xuống thị trấn bán.
Mỗi ngày có hàng trăm kg than hoa được tiêu thụ tại thị trấn du lịch Sa Pa. |
Dạo quanh thị trấn Sa Pa, chúng tôi gặp chị Giàng Seo Thả, người dân xã Tả Van đang gùi trên lưng một gùi than hoa to gấp đôi người chị. Tò mò hỏi giá, chúng tôi nhận được câu trả lời bặp bẹ tiếng Kinh: “Cả gùi này trăm nghìn đấy, bây giờ cây rừng ít nên phải bán đắt, trước đây nhiều rừng nhưng năm ngoái cháy hết rồi, mình đi vào rừng cả ngày hôm qua mới đốt được bằng này đấy”.
Câu chuyện với chị Thả cũng giúp chúng tôi biết được cách đốt than của bà con dân tộc nơi đây. Buổi sáng họ vào rừng chặt cây, chọn thân cây cỡ trung bình để đỡ mất công chẻ nhỏ. Cây để đốt lấy than phải là loại cây cứng, đốt thành than không bị nổ. Sau khi chặt vác về thành đống thì đào một cái lò, bỏ cây gỗ xuống đốt cho đến khi ngọn lửa cháy qua tất cả các cây, thấy từng đốt than rơi xuống đỏ rực thì lấp đất vào đợi cho than nguội mới gùi về nhà. Tất cả các công đoạn đó chỉ diễn ra trong vòng một ngày.
Đáng nói là hầu hết những người bán than hoa ở thị trấn du lịch Sa Pa mà chúng tôi gặp đều biết rằng việc vào rừng chặt cây đốt lấy than đem bán là vi phạm pháp luật, và hơn nữa là tạo nên nguy cơ cháy rừng, gây ra lũ quét… Tuy nhiên, vì sống ở gần rừng lại có ít đất để canh tác nên họ đành vào rừng đốt cây lấy than hoa như một cách kiếm sống.
Đây cũng chính là bài toán khó khăn nhất, mà đến nay địa phương vẫn chưa có lời giải.