ThienNhien.Net – Thực hiện xã hội hóa trong lâm nghiệp, hoàn thành quy hoạch 3 loại rừng (phòng hộ, đặc dụng và sản xuất), tăng diện tích rừng thêm 11% (trong đó, rừng tự nhiên tăng 5%, rừng trồng tăng 44%), độ che phủ tăng 4,1%, giảm diện tích rừng bị cháy 24%, giảm diện tích rừng bị phá 62%…, là những thành tựu cơ bản sau gần 5 năm Quỹ Hỗ trợ Chương trình Lâm nghiệp Quốc gia (NFP) hoạt động tại Việt Nam, kể từ năm 2005; đã được báo cáo tại Hội thảo tổng kết Quỹ NFP tại Việt Nam giai đoạn 1 (2005-2010) sáng 26/11, tại Hà Nội.
Tại hội thảo, báo cáo tổng kết của Quỹ NFP tại Việt Nam cho biết, thông qua việc hỗ trợ tài chính, chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực, thí điểm mô hình, phân tích chính sách, Quỹ NFP tại Việt Nam đã tập trung vào các chương trình: quản lý và phát triển rừng bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học và dịch vụ môi trường rừng; chế biến gỗ và thương mại lâm sản; nghiên cứu, đào tạo và khuyến lâm; đổi mới thể chế, chính sách.
Và qua 5 năm hoạt động, đã có 11 dự án, đề xuất nhận được tài trợ từ NFP, thu được những kết quả khá khả quan. Trong đó, ngoài những thành tựu nêu trên, bên cạnh chương trình nghiên cứu, đào tạo và khuyến lâm luôn được mở rộng, từ năm 2006, đã có 135 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lâm nghiệp được ban hành; nguồn vốn Trung ương cho bảo vệ và phát triển rừng được cải thiện rõ rệt; các quan hệ hợp tác quốc tế cũng được mở rộng. Đặc biệt, riêng về phát triển dịch vụ môi trường rừng, Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên thực hiện mô hình thí điểm này.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các đề xuất, dự án trên cũng gặp không ít những khó khăn, trở ngại do hạn chế về trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các tổ chức, kỹ thuật còn yếu kém và thiếu sự phối hợp, liên kết giữa các tổ chức, đối tác lâm nghiệp trong nước.
Do đó, để khắc phục vấn đề này cũng như thực hiện tốt Chiến lược Lâm nghiệp Việt Nam, ông Jerker Thunberg – Giám đốc Quỹ NFP cho rằng: “Việt Nam cần tập trung cải thiện việc phổ biến pháp luật lâm nghiệp; nâng cao năng lực về mặt kỹ thuật và quản lý cho các bên liên quan; nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ rừng; đồng thời phân tích và đánh giá sự tham gia của các bên liên quan”.
Cũng trong hội thảo, ông Jerker Thunberg đã cam kết rằng, Quỹ NFP sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chiến lược Lâm nghiệp Quốc gia. Cụ thể là Kế hoạch 5 năm ngành Lâm nghiệp 2011-2015, tập trung vào quản lý và phát triển rừng bền vững, quản lý rừng tự nhiên, chứng chỉ rừng, REDD+, FLEGT, PFES; với các hoạt động ưu tiên bao gồm: phân tích và xây dựng chính sách lâm nghiệp, nâng cao năng lực quản lý thông tin, nâng cao nhận thức cộng đồng.
Quỹ Hỗ trợ Chương trình lâm nghiệp quốc gia (NFP) được thành lập từ tháng 06/2002, là kết quả của các đối thoại liên chính phủ thông qua các Diễn đàn về Lâm nghiệp của Liên Hợp Quốc, thuộc Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO).
Quỹ NFP nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển xây dựng và thực hiện chương trình lâm nghiệp quốc gia thông qua các khoản hỗ trợ nhỏ. Đồng thời, thúc đẩy các tiến trình hoạch định chính sách và thực hiện kế hoạch lâm nghiệp nhằm đáp ứng một cách hiệu quả các yêu cầu của địa phương, các ưu tiên của chính phủ và phản ánh được các nguyên tắc quốc tế đã được thống nhất về các chương trình lâm nghiệp quốc gia mà NFP hỗ trợ. Năm 2005, Việt Nam là một trong những nước được FAO xét duyệt khoản hỗ trợ 300.000 USD từ Quỹ này cho giai đoạn 2005-2008. Hiện đã có 11 dự án được nhận tài trợ từ Quỹ NFP với số tiền từ 20.000 đến 60.000 USD cho mỗi dự án. Nhằm hỗ trợ FAO cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn điều hành Quỹ NFP ở Việt Nam, Văn phòng Điều phối Đối tác Hỗ trợ ngành Lâm nghiệp (FSSP) đã được thành lập, với nhiệm vụ chính là kêu gọi và hỗ trợ các đề xuất từ các tổ chức xã hội, phi chính phủ, và thực hiện các hoạt động khác liên quan đến quỹ NFP. Hiện Quỹ NFP có 80 quốc gia đối tác, trong đó khu vực châu Á – Thía Bình Dương là 14. |