ThienNhien.Net – Diễn đàn Bảo tồn hổ Quốc tế diễn ra tại St.Petersburg, Nga đã khép lại với những cam kết, kế hoạch hành động và phương án tài chính cho Chương trình Phục hồi Hổ Toàn cầu được 13 nước thông qua tại cuộc họp, khởi động nỗ lực mới hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi số lượng loài hổ trong tự nhiên vào năm 2022.
Đây là Hội nghị cấp cao đầu tiên tập trung bảo vệ duy nhất một loài động vật. Tại Hội nghị, 13 nước có hổ bao gồm Bangladesh, Bhutan, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Nepal, Thái Lan, Nga và Việt Nam đã thống nhất tăng cường hợp tác và vạch ra kế hoạch hành động vì tương lai an toàn của loài hổ.
Loài hổ cần những nỗ lực khẩn cấp
Hiện nay ước tính trên thế giới có khoảng 3500 con hổ trong tự nhiên, giảm khoảng 100.000 cá thể so với năm 1900.
Chỉ tính riêng thập kỷ trước loài hổ đã mất tới 40% môi trường sống, và ngay thế kỷ trước đã có ba phân loài hổ tuyệt chủng và một phân loài chỉ còn ở môi trường nuôi nhốt trong số 9 phân loài được ghi nhận. Hổ Bali được quan sát thấy lần cuối năm 1930 trong khi phân loài Javan và Caspian không còn dấu vết vào những năm 1970. Hổ Nam Hoa có thể cũng đã biến mất trong tự nhiên vì chưa được thấy trong 40 năm trở lại đây.
Hiện nay loài hổ chỉ sinh sống 7% môi trường sống trước đây của mình. Thêm nữa, một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là có nhiều quần thể hổ rất nhỏ, chưa tới 100 cá thể. Điều này khiến số phận của những quần thể này trở nên mong manh nếu có những biến cố xảy ra như dịch bệnh, thiên tai…
Những thống kê ảm đạm này cho thấy những chông gai phía trước trên con đường bảo tồn hổ. Loài hổ đang bị đe dọa nghiêm trọng vì mất môi trường sống, bị săn bắt, suy giảm con mồi và xung đột với con người.
Nhân gấp đôi số lượng hổ vào năm 2022
Nếu cứ đà suy giảm hiện nay, loài hổ được dự báo sẽ biến mất vào năm Con Hổ 2022. Nhằm đảo ngược dự báo này, Chương trình Phục hồi Hổ toàn cầu – một kế hoạch chiến lược nằm trong Tuyên bố St.Petersburg đã được 13 nước có hổ thông qua tại Hội nghị.
Kế hoạch hành động chủ yếu tập trung bảo vệ môi trường sống của loài hổ, giải quyết nạn săn bắt và buôn bán hổ trái phép, đồng thời thiết lập nguồn tài chính cho chương trình bảo tồn.
Các biện pháp được đưa ra nhằm nhân đôi số lượng hổ bao gồm tạo những khu vực “không xâm phạm” cho loài hổ, trừng trị thẳng tay nạn săn bắt và buôn bán hổ, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của hổ.
Thu hút sự tham gia một cách chủ động và tích cực của người dân địa phương vào hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học cũng được đặt ra với hy vọng giúp giảm xung đột giữa hổ và con người.
Tại Hội nghị, WWF cam kết chi trả 50 triệu USD trong 5 năm tới cho bảo tồn hổ và đặt mục tiêu tăng nguồn tài trợ này lên 85 triệu USD. Các chính phủ cũng cam kết gây quỹ 127 tỉ USD hỗ trợ Chương trình Phục hồi Hổ Toàn cầu. Quỹ này cũng bao gồm các khoản vay lớn từ Ngân hàng Thế giới cho một số nước có hổ sinh sống và hàng triệu USD hỗ trợ từ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF).
13 quốc gia có hổ sinh sống sẽ họp mặt sau sáu tháng nhằm củng cố thêm về tài chính cho Chương trình và sẽ hoàn thành việc gây quỹ vào tháng 7 năm 2011. Tháng 12 năm 2011 các nước sẽ có cuộc hội thảo cùng nhìn nhận lại hiệu quả hoạt động của kế hoạch 12 năm bảo vệ loài hổ.
Bảo tồn hổ thôi chưa đủ
Bên cạnh những hân hoan của giới bảo tồn về những kết quả đạt được tại Hội nghị, vẫn còn những ý kiến chưa bị thuyết phục rằng Hội nghị Thượng đỉnh về hổ là cách tiếp cận tốt nhất và đã đưa ra những giải pháp tốt nhất để cứu vãn loài này.
Nằm trong số đó, Brendon Moyle – nhà kinh tế học đồng thời là một chuyên gia bảo tồn đã chia sẻ trên blog của mình: “Tôi cảm thấy không thoải mái lắm khi nghĩ rằng chúng ta đang quá tập trung vào một loài duy nhất. Trong khi đó hầu hết những kẻ săn trộm lại không phải người săn hổ. Chẳng hạn, chúng chỉ là những kẻ săn báo và thỉnh thoảng vớ được hổ. Vì thế, một chiến lược rộng hơn, liên kết hơn, quan tâm tới tất cả các loài mèo lớn Châu Á mới là thiết thực”.
Quan điểm bảo tồn này có thể được các nhà bảo tồn lập luận rằng bởi lẽ hổ là loài đòi hỏi môi trường sống rộng lớn vì thế bảo vệ hổ cũng là bảo vệ các loài động vật Châu Á khác. Tuy nhiên, ý kiến trên cũng đáng xem xét khi nhìn vào thực tế là hiện đang có tới hàng nghìn loài bị đe dọa tuyệt chủng hơn loài hổ.
Trong nhóm các nhà bảo tồn chưa thỏa mãn với kết quả của Hội nghị, nhà vận động của Cơ quan Điều tra Môi trường Mỹ (EIA) Alasdair Cameron cho rằng Tuyên bố St.Petersburg thiếu hai yếu tố quan trọng là các giải pháp để giảm nhu cầu về da, xương và các bộ phận cơ thể dùng làm thuốc từ hổ cùng các thảo luận về trang trại nuôi hổ. Trong khi đó, đây là hai chủ đề nhạy cảm tại Trung Quốc, nơi ước tính có nhiều hổ nuôi nhốt hơn tổng số hổ hoang dã trên toàn cầu.
Với thực tế ảm đạm, những dự báo bi quan và mục tiêu đầy tham vọng, việc bảo vệ loài hổ được đánh giá như một phép thử đối với nỗ lực của các quốc gia trong hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học nói chung.
Bạch Dương (tổng hợp)