ThienNhien.Net – Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) sản xuất gạch ở Đồng Nai – nơi có sản lượng gạch lớn nhất ở các tỉnh Nam Bộ đang chuyển đổi từ sản xuất truyền thống, thủ công sang sản xuất bằng lò nung gạch liên hoàn (hopman) theo công nghệ của Thái Lan, vừa nâng cao chất lượng, tăng giá thành sản phẩm, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường.
Lò hopman được thiết kế thành nhiều khoang chứa gạch khác nhau, hoạt động theo cơ chế tuần hoàn, hoán đổi vị trí liên tục. Hệ thống điều tiết nhiệt của lò cho phép tái sử dụng khói thải nóng từ khoang nung chín dẫn qua các khoang khác để sấy gạch mộc. Các khoang trong lò sẽ lần lượt thay đổi chức năng cho nhau, do đó quá trình đốt sẽ được duy trì liên tục, gạch cũng được làm nguội cho ra sản phẩm liên tục không bị gián đoạn. Tuy nhiên, đầu tư một lò gạch hopman lại cao hơn nhiều so với lò gạch truyền thống.
Theo chị Nguyễn Thị Lan, chủ một lò gạch hopman ở xã An Phước, huyện Long Thành, đầu tư lò hopman tuy tốn kém hơn lò truyền thống nhưng hiệu quả rõ rệt. Củi đốt giảm được gần một nửa và còn có thể sử dụng những loại nhiên liệu khác như mùn cưa, trấu, gỗ vụn. Ngày nào cũng có gạch vào và ra lò, chất lượng gạch tốt chiếm khoảng 80% so với gạch tuynel nên giá cao hơn loại gạch nung lò cũ. Thêm nữa. loại lò mới này không có khói nhiều và gây ô nhiễm như lò truyền thống.
Nhờ những tính năng ưu việt trên của lò hopman mà hiện nay các doanh nghiệp sản xuất gạch thủ công đang dần chuyển sang sản xuất gạch bằng lò nung liên hoàn để tăng sức cạnh tranh và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.