Khó xác định thiệt hại do thủy điện

ThienNhien.Net – Sau lũ, nông dân một số tỉnh miền Trung rậm rịch khởi kiện các đơn vị thủy điện xả lũ không đúng quy trình, gây thiệt hại nặng nề cho bà con. Một số đơn vị thủy điện đã chấp nhận phương án bồi thường hoặc hỗ trợ, tuy nhiên việc xác định tổng mức thiệt hại do lũ và do thủy điện đang là điều đáng quan ngại.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, các nhà máy, đơn vị kinh doanh thủy điện cần có trách nhiệm đối với người dân bị thiệt hại từ việc thủy điện xả lũ. Hội Nông dân các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Hà Tĩnh, Lâm Đồng và một số đơn vị pháp lí cũng rất sẵn lòng hỗ trợ người dân khởi kiện.

Tuy nhiên, khó khăn trong việc xác định tổng thiệt hại do thủy điện khiến công tác hỗ trợ, bồi thường gặp nhiều lúng túng. Một số đơn vị thủy điện đã chấp nhận phương án bồi thường cho dân (Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Sah, Đăk Nông; Ban quản lý thủy điện Đăk Srông 2A, Gia Lai); một số thì chỉ chấp nhận hỗ trợ chứ không bồi thường (Nhà máy thủy điện Hố Hô, Hà Tĩnh) hoặc có đơn vị kiên quyết không chịu bồi thường, hỗ trợ (Thủy điện Đa Nhim, Lâm Đồng)…

Trên thực tế, khó có thể đưa ra con số thiệt hại chính xác và thống nhất, vì nếu chỉ áp mức thiệt hại do phía người dân tự thống kê hoặc thiệt hại do các nhà máy thủy điện tính toán thì đều phiến diện.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia xã hội học Đặng Đình Long – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xã hội và môi trường vùng cho rằng, cần có một cơ quan trung gian đứng ra làm trọng tài, đánh giá mức độ thiệt hại, xác định đâu là thiệt hại do lũ gây ra, đâu là thiệt hại do thủy điện xả lũ gây ra. Cụ thể, theo Luật sư Hà Đăng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội , Chính phủ nên là cơ quan đứng ra yêu cầu các nhà máy thủy điện đối thoại với dân, bồi thường thiệt hại do xả lũ.

Ông Đậu Đức Khởi, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì nhận định, UBND các tỉnh nên thành lập hội đồng,  giao cho UBND huyện phụ trách, có sự tham gia của các sở, ban ngành và đơn vị quản lí thủy điện. Hội đồng này sẽ trực tiếp kiểm tra, tính toán thiệt hại của người dân, sau đó trình lên tỉnh để giải quyết.

Trong khi đó, theo ông Cao Anh Dũng – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), cách tốt nhất là hai bên tự ngồi lại với nhau để xem bao nhiêu người bị mất nhà cửa, trâu bò, lợn gà…, thậm chí từng gốc cây một.

Hiện nay, Hội Nông dân một số địa phương đang tích cực trao đổi, thảo luận với các cơ quan quản lí thủy điện trên địa bàn để thống nhất phương án hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cho bà con.