ThienNhien.Net – Nghiên cứu mới đây trên <i>Tạp chí Marine and Coastal Fisheries</i> chỉ ra rằng, sự gia tăng đột biến các trại nuôi cá hồi tại Tây Bắc Thái Bình Dương đang tạo ra sự cạnh tranh gay gắt về nguồn thức ăn lẫn nguồn gen di truyền so với lượng cá hồi tự nhiên tại khu vực này.
Năm nay được xem là năm bùng nổ lượng cá hồi tại Tây Bắc Thái Bình Dương. Chỉ tính riêng hệ thống sông British Columbia đã có hơn 34 triệu con, nhiều hơn 17 lần so với lượng cá hồi năm ngoái. Sự gia tăng này bắt nguồn chủ yếu từ các trại nuôi cá hồi ven biển Tây Bắc Thái Bình Dương.
Từ những năm 1970, các trại nuôi cá hồi đã thả 500 triệu con cá hồi vào biển Tây Bắc Thái Bình Dương, và đến năm 2008, con số này tăng vọt lên 5 tỷ. Hầu hết các loài cá hồi được thả đều là cá hồi Hồng hoặc cá hồi Chum, trong đó lượng cá hồi Chum có nguồn gốc từ những trại nuôi ở Nhật Bản nhiều hơn lượng cá hồi Chum hoang dã.
Nghiên cứu cho thấy, tình trạng gia tăng đột biến lượng cá hồi tại Tây Bắc Thái Bình Dương đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự cân bằng hệ sinh thái. Và một khi sự gia tăng này vượt quá giới hạn thì khó có thể cung cấp đủ nguồn thức ăn duy trì cho lượng cá hồi khổng lồ.
Tuy nhiên, vấn đề sẽ không quá nghiêm trọng nếu chỉ dừng lại ở việc gia tăng số lượng cá hồi nuôi. Vấn đề nằm ở chỗ nguồn gen cá hồi nuôi ít đa dạng nên chúng không thích hợp cho việc duy trì nòi giống sau này. Nói cách khác, sự giao phối cận huyết trong nhóm cá hồi nuôi dễ dẫn đến rối loạn chức năng di truyền. Và cá hồi nuôi sẽ bị tuyệt giống nhanh hơn so với cá hồi tự nhiên cùng loại.