Nét làng quê Việt ở Đường Lâm

ThienNhien.Net – Nhắc đến Đường Lâm, người ta nhớ ngay đến ngôi làng cổ, nơi còn giữ chút hồn xưa ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Đường Lâm là cái nôi của nhiều danh nhân đất Việt như vua Ngô Quyền, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Thám hoa Giang Văn Minh, bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng),…đặc biệt đây còn được gọi là đất hai vua (Ngô Quyền và Phùng Hưng).

Làng cổ Đường Lâm từ xưa có 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh, huyện Phúc Thọ, trấn Sơn Tây, trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán, và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi. Đầu thế kỷ 19, Đường Lâm là nơi đặt lỵ sở của trấn Sơn Tây. Đây là làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được công nhận và trao bằng di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 2006.

Hiện nay, nơi đây vẫn giữ được những nét đặc trưng của làng Việt cổ như cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu, điếm canh,… Hệ thống đường làng ở đây có hình xương cá, nếu đi từ đình sẽ không bao giờ quay lưng vào cửa thánh.

Về nhà cổ, ở Đường Lâm có 956 ngôi nhà truyền thống trong đó các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh lần lượt có 441, 350 và 165 nhà. Đặc trưng của nhà cổ truyền thống ở đây là tất cả đều được xây bằng đá ong. Một điểm đặc biệt nữa là Đường Lâm còn giữ được một cổng làng cổ ở làng Mông Phụ xây từ năm 1684.

Ngày nay, mọi ngả đường dẫn vào Đường Lâm hầu như đã được bê tông hóa, chỉ còn vài điếm canh nằm rải rác hai bên.
Tuy vậy, trong cái dáng dấp hiện đại hóa, làng Đường Lâm vẫn còn ẩn chứa nhiều nét cổ kính.
Như cổng làng Mông Phụ này, nơi chứng kiến bao thăng trầm lịch sử vẫn thâm u trầm mặc
Hay là những cái giếng cổ, nơi dân làng Đường Lâm hằng ngày vẫn giặt giũ, sinh hoạt.
Thêm nữa, nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị vẫn còn tồn tại ở nơi này như đình làng, nhà thờ Giang Văn Minh…
Không lẫn vào đâu được là những bãi sân kho và sân đình to rộng, một nét đặc trưng của vùng nông thôn Bắc bộ.
Đặc trưng hơn, hầu hết các ngôi nhà ở Đường Lâm đều làm tường bằng đá ong, ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè.
Ngay cả với con người nơi đây, cũng phảng phất một chút trầm tư xưa cũ, luôn nhớ về một cái gì đã xa trong tâm thức.
Tất cả đã tạo nên thoáng yên bình của làng cổ Đường Lâm.