ThienNhien.Net – Xây dựng doanh nghiệp theo mô hình vừa vận chuyển vừa xử lý chất thải nguy hại là hướng đi được gợi mở trong hai hội thảo về môi trường vừa diễn ra tại Hà Nội.
Quản lý chất thải nguy hại là một trong những nội dung được quan tâm nhất tại 2 Hội thảo về Quản lý môi trường và Công nghệ môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 17/11. Đây là hoạt động chính trong khuôn khổ Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ III năm 2010.
Cần phối hợp quản lý chất thải nguy hại
Theo kết quả khảo sát thực hiện tháng 09/2009 của Tổng cục Môi trường tại 35/64 tỉnh, thành phố, tổng số lượng chất thải nguy hại phát sinh là 984.405 tấn/năm. Ngoài ra, khoảng 37 nghìn tấn hóa chất dùng trong nông nghiệp đã bị tịch thu.
Trưởng phòng Chất thải nguy hại, Cục Quản lý Chất thải và Cải thiện môi trường, Tổng cục Môi trường Nguyễn Thành Yên cho biết, theo kết quả khảo sát năm 2003, tổng số lượng chất thải nguy hại khoảng 160 nghìn tấn, dự báo sẽ tăng lên khoảng 500 nghìn tấn vào năm 2010.
Tuy nhiên, đến năm 2009 số lượng chất thải nguy hại phát sinh của 35/63 tỉnh, thành phố đã là gần 700 nghìn tấn, vượt xa mức dự báo. Bên cạnh đó, lượng chất thải nguy hại được thu gom, xử lý bởi các đơn vị được cấp phép chỉ được 100 nghìn tấn, đáp ứng một phần nhỏ số lượng chất thải nguy hại .
Chất thải nguy hại theo quy định tại khoản 11 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, là “chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm, gây ngộ độc hoặc đặc tính nguy hại khác”. Chất thải nguy hại phát sinh từ 4 nguồn chính: các hoạt động công nghiệp (sản xuất thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu; hoạt động nông nghiệp (sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại); hoạt động thương mại (quá trình nhập- xuất các hàng độc hại không đạt yêu cầu cho sản xuất hay hàng quá hạn sử dụng…); tiêu dùng trong dân dụng (sử dụng pin, dầu nhớt bôi trơn, ắc quy các loại…). |
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế, Tổng cục Môi trường Hoàng Minh Sơn phân tích nguyên nhân chất thải nguy hại ngày càng gia tăng và khó kiểm soát bởi việc quản lý vẫn còn nhiều bất cập. Hiện vẫn còn sự chồng chéo về thẩm quyền quản lý chất thải nguy hại giữa nhiều cơ quan liên quan.
Bên cạnh đó, kinh phí xử lý tiêu hủy chất thải nguy hại tốn kém, nên vì lợi ích trước mắt, một số cơ sở đã cố tình vi phạm các quy định pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.
Việc quy hoạch xây dựng các khu xử lý chất thải nguy hại cũng gặp khó khăn do các tỉnh rất ngại mang về địa phương mình các nguồn ô nhiễm độc hại. Hiện, mới chỉ có Hải Dương đồng ý xây dựng khu xử lý chất thải nguy hại.
Vấn đề công nghệ cũng là rào cản bởi với công nghệ sản xuất còn lạc hậu kèm theo công nghệ xử lý chất thải còn thiếu như hiện nay không đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Hướng đến mô hình vừa vận chuyển vừa xử lý
Tính tới tháng 10/2010, có 36 cơ sở xử lý chất thải nguy hại đã được Tổng cục Môi trường cấp phép với các công nghệ phổ biến, như công nghệ thiêu đốt, công nghệ xử lý, tái chế dầu thải, xử lý bóng đèn thải, xử lý chất thải điện tử, phá dỡ, tái chế ắc quy chì thải.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết, các cơ quan quản lý khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện mô hình vừa vận chuyển vừa xử lý. Đơn vị vận chuyển thuần túy sẽ bị hạn chế dần, sau một thời gian không chuyển qua xử lý thì sẽ bị rút giấy phép. Tuy nhiên, để mô hình này đi vào thực tiễn sẽ có lộ trình cụ thể.
Ông Hoàng Minh Sơn cũng nêu ra những giải pháp cụ thể để quản lý chất thải nguy hại như chuyên biệt hoá công nghệ xử lý cho từng loại chất thải nguy hại (các lò đốt hiện nay đang sử dụng cho nhiều loại chất thải nguy hại). Đồng thời, xây dựng và ban hành các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật… làm cơ sở khoa học cho công nghệ xử lý chất thải.