ThienNhien.Net – Ngày 18/11/2010, gần 1000 đại biểu đã tham gia phiên họp toàn thể Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ III, diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Đây là dịp để Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá lại những kết quả đạt được, các bài học kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường 5 năm (2005-2010); trao đổi và cùng thống nhất hành động trong thập niên mới; tạo bước chuyển biến căn bản về nhận thức và trách nhiệm của các nhà quản lý, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội đối với nhiệm vụ quan trọng này.
Công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2005-2010
Báo cáo tổng kết công tác bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, giai đoạn 2005-2010 được coi là giai đoạn thành công nhất trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường 2005, Luật Đa dạng sinh học 2008 và 66 văn bản dưới luật đã được xây dựng và ban hành, trong đó có 23 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 43 văn bản cấp bộ, đã tạo được một hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường tương đối toàn diện và đồng bộ, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước.
Đây cũng là giai đoạn hình thành bộ máy quản lý Nhà nước về môi trường từ Trung ương tới địa phương, bao gồm Tổng cục Môi trường, hệ thống Chị cục bảo vệ môi trường các tỉnh, phòng bảo vệ môi trường các quận huyện, các cơ quan chuyên trách môi trường tại các bộ, ban ngành… Đặc biệt, hệ thống Cục và 63 phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (thuộc Bộ Công an) cũng được thành lập trong giai đoạn này.
Nhờ đó, thời gian qua, công tác kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải đã có những tiến bộ rõ rệt. Nhiều địa phương, khu công nghiệp đã có lộ trình, kế hoạch và triển khai các trạm xử lý nước thải.
Về các giải pháp phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường trong khai thác khoáng sản; cải tạo môi trường lưu vực sông; phục hồi môi trường do hoá chất bảo vệ thực vật, chất khó phân huỷ và điôxin…đã được đẩy mạnh. Điển hình là các mỏ khai thác khoáng sản ở Thái Nguyên, Nghệ An, Bình Dương sau khi khai thác đã được cải tạo, phục hồi môi trường thành các khu vui chơi, du lịch sinh thái.
Tính đến nay, trong tổng số 439 cơ sở phải hoàn thành việc xử lý ô nhiễm triệt để trong giai đoạn 1 đã có 325 cơ sở không còn gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều địa phương đã có những giải pháp cụ thể tiến hành xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường như TP. Hồ Chí Minh di dời 1.261 cơ sở, Hà Nội di dời gần 400 cơ sở ra khỏi khu vực nội thành.
Đối với công tác quản lý và nhập khẩu phế liệu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã từng bước điều chỉnh và xúc tiến soạn thảo dự thảo Thông tư quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với sắt, thép phế liệu, nhựa phế liệu, giấy phế liệu nhập khẩu và điều chỉnh Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn chi tiết một số nội dung về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang tiếp tục kiểm tra, giám sát khắc phục hậu quả của các vi phạm điển hình, hoàn thành việc chỉ đạo giải quyết bồi thường thiệt hại về kinh tế, môi trường của Công ty Vedan và tổ chức hàng loạt các cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, còn nhiều nhiệm vụ khác cũng được thực hiện khá tốt như hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học được triển khai có hệ thống, công tác kiểm tra và xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường được xiết chặt và mở rộng, cùng nhiều chương trình nghiên cứu khoa học đã thành công…
Giải pháp phát triển môi trường bền vững
Bên cạnh những kết quả ngành Tài nguyên và Môi trường đã đạt được trong thời gian qua, có mặt tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng chỉ rõ chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm. Môi trường một số khu vực tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt tại các lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Sài Gòn-Đồng Nai. Một số sự cố môi trường vẫn xảy ra, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn nhiều với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Việc khai thác tài nguyên không hợp lý đang khá phổ biến, tình trạng săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã gây suy giảm đa dạng sinh học, cùng tình trạng sinh vật ngoại lai xâm lấn đang diễn biến phức tạp như ốc bươu vàng, rùa tai đỏ.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương xác định bảo vệ môi trường là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; đồng thời xác định các thành tựu môi trường chính là thước đo sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội.
Cùng nhận định với nhiều đại biểu, Phó Thủ tướng nêu rõ, sự nóng lên của Trái Đất và nước biển dâng là những thách thức nghiêm trọng nhất đối với loài người trong thế kỷ 21, mà Việt Nam là một trong năm nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Bên cạnh đó, thế giới cũng đang phải đối mặt với khủng khoảng lương thực và khủng hoảng năng lượng, nên Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, nước ta đã xác định quan điểm phát triển nhanh gắn liền với bền vững là yêu cầu xuyên suốt của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Bởi vậy, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường.
Cụ thể, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật bảo vệ môi trường, chú trọng cách thức tuyên truyền cả về chiều rộng, bề sâu, bài bản, phù hợp với từng đối tượng. Đặc biệt, cần tuyên truyền thực hiện các giải pháp kết hợp giữa ngăn ngừa hành vi vi phạm với bảo vệ môi trường; phát triển sản xuất sạch, tiêu dùng sạch; sử dụng hợp lý tài nguyên quốc gia; ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu.
Ngành môi trường cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường đồng bộ, hiệu quả, tương thích với những quan điểm mới, tránh sự chồng chéo. Trước mắt, cần tập trung hoàn thiện Luật Môi trường (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đa dạng sinh học…, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đa dạng sinh học, chương Tội phạm về môi trường trong Bộ Luật Hình sự.
Một trong những vấn đề được Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh là tăng cường năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Công tác quản lý cần hướng đến chuyên nghiệp, hiện đại, từng bước khắc phục tình trạng một số lĩnh vực còn bị bỏ trống, chưa được quan tâm đúng mức.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành Tài nguyên và Môi trường đa dạng hóa các chính sách đầu tư, từng bước xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn ngân sách; phát triển nguồn nhân lực kết hợp với đầu tư đúng mức trang thiết bị; đồng thời cần chủ động mở rộng hợp tác quốc tế.
Phó Thủ tướng yêu cầu, ngay sau Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ III, các Bộ, ngành, địa phương cần thống nhất những hành động cụ thể về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, cần thảo luận để gắn các chỉ tiêu về môi trường với chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Trong khuôn khổ của Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ III diễn ra trong hai ngày 17-18/11/2010 còn có những hội thảo chuyên đề về quản lý, công nghệ môi trường, đa dạng sinh học và triển lãm các thành tựu môi trường. |