Nước – thách thức môi trường lớn nhất của Trung Quốc

ThienNhien.Net – Chiếm 20% dân số thế giới, nhưng chỉ sở hữu 7% lượng nước ngọt toàn cầu, Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước trầm trọng do sự bùng nổ kinh tế và đô thị hóa tăng cao. Chính phủ nước này đang lập các dự án dẫn nước khổng lồ nhằm cải thiện tình hình, song theo các nhà môi trường, việc bảo tồn, đặc biệt là tránh sử dụng lãng phí nước trong ngành nông nghiệp mới là cội rễ của vấn đề.

Chuyện từ một dự án

Một dự án táo bạo gây nhiều tranh cãi hiện nay ở Trung Quốc là việc chính phủ nước này cho xây một khu tái định cư giữa vùng sa mạc xa xôi Gobi, nằm ở phía Tây, thuộc tỉnh Cam Túc, trong đó nguồn nước chủ yếu phục vụ cho khu tái định cư sẽ được dẫn từ một nhánh của sông Hoàng Hà. Dự án khổng lồ kỳ vọng mở ra một viễn cảnh tươi mới cho vùng đất sa mạc khô cằn, với những tòa nhà được sơn trắng, bao quanh bởi những thảm cỏ xanh, và ở giữa là một hồ nước rộng.

Với sức mạnh của công nghệ và ý chí của con người, chính phủ Trung Quốc cam kết đem nguồn nước đến mọi người dân. Nhưng thực tế những gì đang diễn ra tại Gobi lại khiến nhiều người hoài nghi, không ít người cho rằng, dự án chỉ là viễn tưởng.

Zhao Zhong, nhà môi trường học trẻ tuổi người Trung Quốc, người sáng lập ra tổ chức phi lợi nhuận Green Camel Bell cũng là một trong số đó. Zhao Zhong cho rằng, nước sông Hoàng Hà sẽ không chỉ suy giảm trong những năm gần đây mà một vài tháng không lâu nữa, nó sẽ không thể chảy tới biển Thái Bình Dương được. Đó là chưa kể đến 10% lượng nước con sông này hiện là nước thải bẩn. Việc đưa nước vào sa mạc Gobi, vì thế chỉ là điều huyễn hoặc.

Và giả như có một ốc đảo thực xuất hiện giữa vùng sa mạc khô cằn Gobi thì Trung Quốc cũng sẽ vấp phải những khó khăn khó có thể tháo gỡ. Bởi để duy trì tốc độ phát triển, Trung Quốc cần rất nhiều nước. Các thành phố của Trung Quốc chỉ có thể được xây dựng khi có đủ nguồn nước cung cấp. Trong khi đó, nguồn nước của quốc gia này rất hạn chế, chỉ chiếm một lượng rất nhỏ so với lượng nước ngọt toàn cầu (khoảng 7%). Tình trạng đô thị hóa tăng nhanh, cộng với các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng áp lực rất lớn về nước cho quốc gia đông dân nhất thế giới.

Nước tỉ lệ nghịch với sự tăng trưởng

Theo Wang Rusong, chuyên gia sinh thái đô thị thuộc Viện Hàn lâm Trung Quốc, đồng thời là cố vấn môi trường cho thị trưởng thành phố Bắc Kinh, thách thức môi trường quan ngại nhất đối với Trung Quốc hiện nay không phải là những gì nó có quá nhiều như nạn ô nhiễm, rác thải, lượng khí thải các-bon… mà là những gì nó không có đủ. Ông khẳng định, nhân tố kìm hãm lớn nhất đến sự phát triển của Bắc Kinh chính là nước. Và Bắc Kinh không phải là trường hợp ngoại lệ.

Dự tính, trong 20 năm tới, 350 triệu người ở Trung Quốc – con số lớn hơn cả số dân của Hoa Kỳ sẽ dời nông thôn chuyển đến sống tại các thành phố, điều này đòi hỏi chính phủ Trung Quốc phải xây dựng một lượng cơ sở hạ tầng rất lớn (hãy tưởng tượng việc xây dựng toàn bộ các thành phố của Mỹ chỉ diễn ra trong một thế hệ).

Một trong những thước đo đánh giá sự tăng trưởng và đô thị hóa của một quốc gia là hoạt động sản xuất xi măng. Trung Quốc hiện đang dẫn đầu về khả năng tiêu thụ xi măng trên toàn thế giới, cao gấp 7 lần so với người sử dụng lớn thứ hai là Ấn Độ. Đối với các nguồn tài nguyên khác, Trung Quốc cũng đang lùng sục khắp nơi, bằng chứng là việc quốc gia này nhập một lượng gỗ khổng lồ từ các quốc gia Đông Nam Á và Mỹ La tinh rồi tài trợ cho các giàn khoan dầu tại Nigeria, Chad, Sudan và đầu tư vào các mỏ đồng tại Afghanistan… Tuy nhiên, duy nhất việc đảm bảo nước sạch thì Trung Quốc lại không làm được. Đây có lẽ là thách thức lớn nhất của quốc gia này vì nước là tài nguyên không thể nhập.

Nghiên cứu mới đây về biểu đồ nguồn nước của Trung Quốc cũng chỉ ra, đến năm 2030, Trung Quốc có thể phải đối mặt với sự thiếu hụt gần 201 tỷ mét khối nước. Trở ngại càng lớn hơn khi nguồn nước của Trung Quốc tập trung nhiều ở phía Nam, trong khi phần lớn cư dân lại đóng đô ở phương Bắc.

Tứ phía đều cạn nước

Trên khắp các vùng miền của Trung Quốc, nơi đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp những cảnh tượng con người đấu tranh, vật lộn với sự khan hiếm nước. Tại tỉnh Cam Túc, nơi cách không xa tấm biển quảng cáo về một ốc đảo trong mơ giữa vùng sa mạc Gobi, người dân vẫn hàng ngày chắt chiu từng giọt nước bằng cách phủ rơm lên những khu nhà kính trồng rau, với mong muốn giữ lại được những giọt hơi nước cuối cùng còn sót lại.

 

Học sinh nông thôn ở tỉnh Cam Túc xách nước từ giếng đào (Ảnh: E360)

Đầu xuân 2010, trận đại hạn xảy ra ở phía tây nam Trung Quốc đã làm ảnh hưởng đến 18 triệu người dân, khiến những cánh đồng trở nên khô héo và nguồn nước cấp cho các thành phố lớn cũng cạn kiệt. Những vùng khan hiếm nước như vậy thường ít khi có các phương án dự phòng, dù thiên tai nhiều khi đã được dự báo trước.

Tại phía bắc Trung Quốc và phần tiếp giáp với Mông Cổ, cát trên vùng sa mạc Gobi cũng ngày càng lan rộng. Hiện tượng sa mạc hóa này bắt nguồn từ sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tình trạng xói mòn đất và có thể do khí hậu thay đổi. Đây có thể là lý do khiến những trận bão cát xuất hiện ngày càng đều đặn ở Bắc Kinh, nhất là vào mùa xuân, dù trước đó (khoảng những năm 1950), chúng chỉ tấn công Bắc Kinh theo lịch trình 7 năm một lần hoặc lâu hơn.

Các dòng sông băng tan chảy trên cao nguyên Thanh Tạng đã bắt đầu co lại thành các dòng suối tại tỉnh Tây Tạng, Thanh Hải và Cam Túc. Nhiều dự án nằm ở khu vực phía Tây này cũng buộc di dời 150 triệu dân để đảm bảo nguồn nước ổn định hơn. Wen Bo, nhà môi trường học ở Bắc Kinh khẳng định, đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy, đã đến lúc chúng ta không thể chỉ nghĩ đến phát triển kinh tế mà còn phải nghĩ về sức chịu đựng của hệ sinh thái. “Trung Quốc thực sự không giỏi trong việc quản lí nguồn nước” – ông khẳng định.

Thật vậy, nét đặc trưng trong tư duy Bắc Kinh là luôn tìm cách thoát khỏi những thiếu sót và mâu thuẫn bằng những dự án có quy mô khổng lồ. Minh chứng điển hình là kế hoạch dẫn nước từ phía nam sông Dương Tử đến phía bắc sông Hoàng Hà, qua một loạt ống dẫn được đặt xuyên núi và băng qua sa mạc. Nhánh phía đông của dự án tuy đã hoàn thành, nhưng sau đó lại phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến sự bất ổn về địa chất và tài chính. Nghiên cứu về những lỗi kỹ thuật được đưa ra, chuyên gia địa chất Yang Yong cho rằng, cách tốt nhất để có được nhiều nước hơn là thông qua các biện pháp bảo tồn, không nên xây dựng tràn lan các dự án từ Nam tới Bắc.

Trên thực tế, Trung Quốc đã bắt đầu để tâm tới công tác bảo tồn tài nguyên nước. Bằng chứng là tháng 12 năm 2009, chính quyền Bắc Kinh đã quyết định tăng giá nước sinh hoạt lên 8%, nhằm thắt chặt việc sử dụng lãng phí nước trong các hộ gia đình. “Đầu vào nguồn tài nguyên của Trung Quốc đang rất thấp nên các biện pháp bảo tồn sẽ được ưu tiên trong thời gian tới” – Julian Wong, chuyên viên cấp cao của Trung Tâm Vì Tiến Bộ Hoa Kỳ (trụ sở tại Washington) nhận định.

Thủ phạm gây lãng phí nước nhiều nhất hiện nay tại Trung Quốc là ngành nông nghiệp, ngành sử dụng tới hơn 2/3 tổng lượng nước tiêu dùng. Trong đó, 45% lượng nước đã bị thất thoát trước khi đến được các thửa ruộng do sự bay hơi, thẩm thấu qua các công trình dẫn nước và nhiều yếu tố khác không thể tính được. Nguyên nhân của sự thất thoát, tiêu tốn nước là do cơ sở hạ tầng vùng nông thôn còn lạc hậu, các cơ quan quản lý thiếu sự phối hợp đồng bộ, thiếu sự đo đạc cũng như trách nhiệm giải trình chính xác nơi nào nước đang bị mất đi.

“Nhận thức được vấn đề chính là bước đầu tiên để sửa chữa nó. Trước tiên cần phải thay đổi suy nghĩ của người dân, sau đó là toàn bộ hệ thống” – Giáo sư Wang khẳng định.

Trung Quốc: Đưa dòng nước ngược