ThienNhien.Net – Các nhà khoa học Úc, Việt Nam mới phát hiện và công bố một loài cóc mày ở miền Trung Việt Nam có tên khoa học là <i>Leptolalax croceus sp. nov.</i> gần giống với loài <i>L. tuberosus</i> nhưng có thể phân biệt với các loài trong giống <i>Leptolalax</i> ở đặc điểm bụng màu cam sáng.
Cóc mày bụng cam có chiều dài đầu bằng 91% chiều rộng đầu; lưng có nhiều nốt sần, kích thước trung bình 22,2-27,3mm; mũi ngắn hơi nhô ra so với hàm dưới; có vành mắt rõ ràng, hơi tròn; vùng trước mặt dốc; đồng tử thẳng; bao tai không rõ, bị da che khuất và không có vành tai; không có răng vòm miệng; túi thanh có các khe như các đường chẻ nằm ở đáy miệng; lưỡi lớn, rộng có những khía hình chữ V nhỏ ở sau đầu lưỡi; nếp da phía trên trống tai không rõ ràng, gồm một chuỗi các nốt sần lớn kéo dài từ mắt đến tuyến nách.
Đầu ngón tay, chân tù, phình ra hơi rộng hơn so với các đốt ngón; chiều dài các ngón tay như sau: ngón I< II= IV< III; không có đệm giao phối ở tay; nốt dưới khớp ko hiện diện. Còn chiều dài ngón chân I < II < V < III < IV; nốt dưới khớp ko rõ và được thay thế bằng các miếng da, dễ nhận thấy ở ngón thứ hai, ba, tư và năm; nốt tròn dưới bàn chân rõ ràng, không có các nốt bên ngoài; có màng sơ khai giữa các ngón chân I đến III, không có màng giữa các ngón III đến V; không có viền bên.
Đặc biệt, tuyến ngực tiêu biến trong vòng đời nhưng có hiện diện ở các mẫu bảo quản; tuyến đùi hình trứng có đường kính 0.9mm nằm ở mặt dưới đùi, gần đầu gối hơn lỗ huyệt; tuyến trên nách là nốt sần lớn có đường kính 0.5mm; không có tuyến bên bụng.
Loài Cóc mày bụng cam này chỉ mới được tìm thấy ở một địa điểm duy nhất trong rừng thường xanh ở độ cao 1316m so với mặt nước biển thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh huyện Đắk Gley, tỉnh Kon Tum.