ThienNhien.Net – Cuối tháng 10 vừa qua, có một tài liệu nghiên cứu thu hút sự chú ý của các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách Đông Nam Á, đó là bản báo tổng hợp "Rủi ro khí hậu và sự thích nghi của các thành phố lớn ven biển của châu Á" do Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đồng thực hiện. Từ những phân tích cụ thể ba nghiên cứu điểm là Tp. Hồ Chí Minh, Manila và Băng – cốc, báo cáo đã đề xuất một số khuyến nghị quan trọng.
Các thành phố ven biển nơi chịu nhiều rủi ro do khí hậu
Bản báo cáo thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) năm 2007 từng khuyến cáo rằng các khu vực gần và ven biển (bao gồm cả các nước đang phát triển lẫn các quốc gia phát triển) đều sẽ phải đối mặt với các rủi ro và biến cố do khí hậu như triều cường, tăng nhiệt độ bề mặt biển, tăng tần suất bão nhiệt đới, sự biến động về lượng mưa và các dòng chảy, axít hoá đại dương. Trong số 20 thành phố lớn nhất thế giới, có 13 thành phố nằm ở vị trí gần biển. Những vùng đồng bằng ven biển tuy chỉ chiếm 2% về diện tích nhưng có tới 13% dân số thành thị sinh sống ở đó.
Một nghiên cứu của Nicholls và các đồng nghiệp của ông về 136 thành phố cảng trên thế giới năm 2008 cũng từng khẳng định các thành phố khu vực Đông và Nam Á sẽ là nơi gánh chịu thiệt hại về người và tài sản do biến đổi khí hậu (BĐKH) hơn cả. Năm thành phố gần biển bị triều cường đe doạ nhiều nhất gồm Mumbai và Kolkata (Ấn Độ), Quảng Châu và Thượng Hải (Trung Quốc) và Tp.Hồ Chí Minh (Việt Nam).
Trong nghiên cứu mới công bố này, các chuyên gia nhận định vòng 60 năm tới, 9/10 thành phố đông dân bị ngập lụt nhất đều thuộc các nước đang phát triển của châu Á. Cụ thể hơn, khu vực Đông Á sẽ chịu rủi ro cao nhất cũng như sẽ tốn kém nhiều nhất để tìm kiếm các giải pháp thích nghi.
Tp. Hồ Chí Minh nên sớm đưa BĐKH vào quy hoạch dài hạn
Lý giải về sự lựa chọn ba điểm nghiên cứu gồm Băng – cốc, Manila và Tp. Hồ Chí Minh, nhóm nghiên cứu cho biết đây những thành phố đông dân và là những trung tâm kinh tế quan trọng đối với các quốc gia và khu vực, song lại có nguy cơ bị tác động lớn do BĐKH.
Kết quả nghiên cứu các thành phố cảng trên thế giới năm 2008 từng cảnh báo Tp.Hồ Chí Minh và Băng-cốc sẽ nằm trong tốp 10 thành phố chịu ảnh hưởng nước biển dâng nặng nề nhất cho tới năm 2070, còn Manila sẽ là tâm hứng các cơn bão nhiệt đới.
Bản báo cáo của Yuso và Francisco công bố năm 2009 cũng khẳng định ba thành phố này nằm trong số 11 thành phố lớn của châu Á hứng rủi ro cao nhất bởi BĐKH.
Cơn bão Ketsana đổ bộ vào Manila hồi tháng 9 năm ngoái là một bằng chứng rõ. Cơn bão lịch sử trong vòng 40 năm đã nhấn chìm 80% diện tích thành phố trong biển nước, có nơi ngập sâu tới 7m. Khoảng 280 đến 300 ngàn nguời dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.
Đối với Tp. Hồ Chí Minh, dữ liệu tổng hợp cho biết trong vòng 10 năm, từ 1997 đến 2007, hầu hết các quận huyện đều bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai với tổng thiệt hại khoảng 202 tỷ đồng, tập trung ở hai huyện vùng ven Cần Giờ và Nhà Bè. Xu hướng là cả thành phố sẽ phải đối mặt với ảnh hưởng cuả triều cường ngày càng nặng nề hơn.
Ước tính mức thiệt hại do BĐKH trong tương lai, nhóm nghiên cứu dựa trên cả hai cách tiếp cận: Dựa trên giá trị đất đai bị mất đi và dựa trên giá trị GDP tích lũy hao tổn.
Các phân tích vĩ mô cho thấy thiệt hại kinh tế do BĐKH gây ra đối với Tp. Hồ Chí Minh sẽ rất lớn. Con số cụ thể ước tính về thiệt hại có sự dao động giữa các kịch bản khác nhau, tuy nhiên, có một điều rõ ràng là các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ và Quận 9 sẽ là những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Bàn về các giải pháp thích nghi cho Tp. Hồ Chí Minh, nhóm nghiên cứu đưa ra ba nhóm giải pháp. Nhóm thứ nhất gồm các lựa chọn thích nghi đặc thù hướng đến người nghèo bởi đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Nhóm giải pháp này gồm nhiều hạng mục khác nhau như bảo vệ và đa dạng hoá sinh kế cho người dân, cải thiện các hệ thống cảnh báo sớm, quy hoạch việc sử dụng đất, quy hoạch nơi định cư cho người thu nhập thấp ngoài vùng bị ngập, rà soát chuẩn thiết kế các công trình hạ tầng công cộng như cầu đường, đê điều….
Trong những năm qua, Tp. Hồ Chí Minh đã xây dựng chương trình di dời và tái định cư cho người dân sống ven kênh rạch nội thành. Tuy nhiên, với những dự báo nêu trên, nhóm nghiên cứu đề xuất cần mở rộng phạm vi chương trình cho cả các huyện ngoại thành Cần Giờ và Nhà Bè.
Nhóm giải pháp thứ hai nhấn mạnh cần kết hợp các biện pháp thích nghi về cơ sở hạ tầng với các biện pháp dựa trên hệ sinh thái. Dải rừng ngập mặn Cần Giờ giữ chức năng cản bão rất lớn, tuy nhiên đang bị xâm hại và chịu sức ép do việc thay đổi mục đích sử dụng đất. Các hệ sinh thái tự nhiên lưu vực sông Đồng Nai cũng là nguồn cung cấp hàng loạt dịch vụ hệ sinh thái cho cả vùng song cũng có nguy cơ bị quá trình đô thị hoá và chuyển đổi mục đích sử dụng đất lấn át.
Nhóm nghiên cứu cho rằng các nhà quản lý cần lưu tâm đầu tư phục hồi lại vùng sinh thuỷ của sông Đồng Nai, phục hồi lại các vùng đất ngập nước, các kênh mương, sông ngòi, xiết chặt các quy định để duy trì khả năng tự hồi phục của các hệ sinh thái, trồng cây, tạo thảm thực vật cho bờ sông, bờ đê…
Nhóm giải pháp thứ ba tập trung vào các biện pháp nâng cao năng lực về thích nghi với BĐKH, trong đó Tp. Hồ Chí Minh cần chú trọng và ưu tiên Xây dựng chương trình hành động thích nghi với BĐKH riêng cho mình.
Khuyến cáo này dựa trên một thực tế chung rằng tuy đã có rất nhiều cảnh báo về nguy cơ và rủi ro được công bố nhưng trên thế giới có rất ít các nhà hoạch định chính sách đưa vấn đề BĐKH vào quá trình lập kế hoạch, ra quyết định của họ một cách chính thức và có hệ thống.