ThienNhien.Net – Biến đổi khí hậu, kinh tế và an ninh là ba vấn đề trọng tâm trong Kế hoạch phát triển 5 năm (2011 – 2015) lần thứ 12 của Trung Quốc. Trong đó, biến đổi khí hậu được xem là nhân tố lớn nhất kìm hãm sự tăng trưởng của quốc gia này.
Tại một cuộc họp ở Viện Chatham House (Luân Đôn, Anh), Giáo sư kinh tế học Hu Angang thuộc Đại học Tsinhhua, Bắc Kinh cho biết, cùng với vấn đề về an ninh quốc gia, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc hạn chế lượng khí thải nhà kính và xây dựng các mục tiêu cụ thể về môi trường cũng như các mục tiêu kinh tế trong Kế hoạch 5 năm.
Hiện Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm tồi tệ nhất trên thế giới, ước tính phải mất 25.000 tỷ đô la để bù đắp những thiệt hại môi trường do ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa.
Bên cạnh đó, nguy cơ tổn thương do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu cũng ngày càng gia tăng. Tình trạng hạn hán kéo dài ở vùng Tây Nam Trung Quốc làm mùa màng thất bát và khiến hàng triệu người sống thiếu nước. Những trận bão tuyết lớn ở miền Bắc năm ngoái cũng khiến hàng loạt nhà máy phải đóng cửa và làm tê liệt hệ thống du lịch ở nhiều địa phương.
Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực từ hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu, theo Giáo sư Hu, Trung Quốc cần đẩy mạnh các giải pháp truyền thống như trồng rừng, giảm lượng phát thải các bon dựa trên sự tăng trưởng kinh tế, tăng cường sử dụng nguồn nhiên liệu tái tạo. Đặc biệt, cần cải tạo toàn bộ nền kinh tế theo mô hình phát thải ít các bon và thúc đẩy phong trào tiêu thụ ít năng lượng.
Giáo sư Hu cho rằng, có 2 hình thức để thế giới đạt được hiệp ước về vấn đề biến đổi khí hậu. Thứ nhất, cần nhóm họp các nước giàu, nước phát triển, nước nghèo và các nước kém phát triển, trong đó, quy định nhóm nước giàu phải chấp thuận cam kết giảm phát thải, ngược lại không áp dụng bắt buộc điều này đối với những nước nghèo.
Thứ hai, phân chia các quốc gia thành các nhóm dựa trên Chỉ số phát triển con người, những nước có mức sống cao nhất được yêu cầu chấp thuận việc cắt giảm lượng khí thải, những nước có mức sống trung bình được đưa ra mục tiêu cắt giảm có điều kiện, còn những nước kém phát triển nhất thì khuyến khích cắt giảm.
Giáo sư Hu nhấn mạnh, Trung Quốc phù hợp với cả 2 mô hình trên, tức là có thể thực hiện ít nhất một vài sự cắt giảm bắt buộc.