ThienNhien.Net – Hội thảo quốc tế lần thứ 2 về cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) khu vực Đông và Đông Nam Á vừa kết thúc ba ngày chia sẻ thông tin và thảo luận sôi nổi tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Tại đây, các chuyên gia, tổ chức bảo tồn đã nhìn nhận lại tình hình buôn bán ĐVHD trong khu vực và bàn các biện pháp tăng cường liên kết nỗ lực bảo tồn giữa các thành viên mạng lưới, nhằm đẩy lùi và ngăn chặn vấn nạn săn bắn, buôn bán và vận chuyển trái phép ĐVHD hiện nay.
Pháp luật vốn được coi là một trong những công cụ hữu hiệu nhất trong việc đối phó với tội phạm buôn bán ĐVHD, cả phạm vi quốc gia và xuyên biên giới. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật ở nhiều nước chưa thật sự đảm bảo tính nghiêm minh, dẫn đến vấn nạn này diễn ra nhức nhối hàng chục năm qua.
Tại hội thảo, ông Tilo Nadler – Giám đốc Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Vườn Quốc gia Cúc Phương, đồng thời là Trưởng đại diện Hội Động vật học của Đức tại Việt Nam chia sẻ: “Các nước thành viên, trong đó có Việt Nam cần phải tăng cường sức mạnh của pháp luật trong việc khắc chế tội phạm buôn bán động vật hoang dã. Hoặc giả, việc tăng cường chức năng của lực lượng kiểm lâm cũng sẽ giúp cho nhiều loài động vật được bảo vệ tốt hơn.”
Nhấn mạnh đến vai trò tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng như nâng cao ý thức cộng đồng với hoạt động bảo tồn, ông Tan Kit Sun – Phó Giám đốc trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hồng Kông cho biết: “Không phải việc xây dựng hay thành lập nhiều trung tâm cứu hộ sẽ giúp ích nhiều nhất cho việc bảo tồn các loài động vật hoang dã, mà ý thức chấp hành pháp luật cũng như những hiểu biết của cộng đồng mới đóng vai trò quyết định vào thành công của hoạt động bảo tồn.”
Sự hình thành của Mạng lưới cứu hộ ĐVHD (WARN) khu vực Đông và Đông Nam Á manh nha từ 13 năm trước đây, khi Trung tâm cứu hội động vật nguy cấp Pingtung (Đài Loan) tổ chức một hội nghị quốc tế bàn về công tác quản lý các trung tâm cứu hộ ĐVHD khu vực Nam và Đông Nam Á. Nguyện vọng chung của các thành viên tham gia hội thảo này là thiết lập một mạng lưới trung tâm cứu hộ trong khu vực để xây dựng nên những hướng dẫn quy chuẩn về chuồng trại cứu hộ, tái thả ĐVHD về tự nhiên, hợp tác chống nạn săn bắt buôn bán ĐVHD ở các quốc gia và quy mô quốc tế.
Tuy nhiên, mãi cho tới năm 2009, khi Trung tâm cứu hộ Pingtung phối hợp với Cục Nông lâm của Đài Loan và Viện nghiên cứu các loài đặc hữu của nước này tổ chức một hội thảo cấp khu vực khác với chủ đề “Cứu hộ ĐVHD ở Đông và Đông Nam Á”, vấn đề thiết lập và duy trì mạng lưới mới được đặt ra một cách chính thống. Đại diện của 10 trung tâm cứu hộ ĐVHD khu vực Đông Nam Á đã thống nhất ký kết một thoả thuận chung, xây dựng nên (WARN) với mục tiêu chia sẻ thông tin và xây dựng năng lực cho các tổ chức thành viên.
WARN hiện đang mở rộng, dự kiến sau hội thảo lần này sẽ tăng lên con số 20 tổ chức thành viên, thuộc 12 quốc gia và vùng lãnh thổ: Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Philippin, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông.