Nghịch lý ở khu bảo tồn thiên nhiên

ThienNhien.Net – Những câu chuyện tưởng như vô lý nhưng có thật, và hơn thế lại rất phổ biến ở các khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN). Những mẩu tin ngắn dưới đây là điều chính tôi đã mắt thấy tai nghe. Phải chăng chúng ta cần nhìn lại chính sách giao đất giao rừng và đầu tư nông nghiệp hiện nay.

Ở giữa rừng nhưng vách nhà phải làm bằng bẹ tre

Gia đình ông A. có 4 con trai, 2 con gái, đều lớn cả. Nghĩa là gia đình rất đông lao động, nhưng vẫn thuộc  nghèo. Nhà đơn sơ, không đủ gỗ, phải dùng phên đan lót bẹ tre để che chắn. Trong khi đó họ sống ngay sát rừng, có hàng trăm ha rừng được giao quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Không đủ đất canh tác vì từ khi được “giao rừng” đến giờ, nương rẫy biến thành đất rừng, không được trồng ngô sắn, trồng cây gỗ vào đó thì khi lớn cũng không được khai thác. Muốn làm nhà sàn cho con trước đây phải xin phép thôn, xin phép xã, xin phép kiểm lâm, xin phép… và chỉ có chủ tịch huyện mới có thể cho phép lấy gỗ làm nhà sàn. Bây giờ khu bảo tồn thành lập, có xin phép cũng không ai cho. Vì thế cũng chẳng ai đi xin phép nữa, đằng nào cũng là chặt trộm, cứ vào rừng mà lấy gỗ làm nhà, không thì làm bằng… bẹ tre.

Công an xã hay lâm tặc?

Một phó thôn, có chí làm ăn, chuyển nhà từ trong làng ra mặt đường cho dù dựng nhà vào đất vườn, không đúng mục đích sử dụng đất. Mở cửa hàng tạp hóa ven đường. Một thời từng là phó đội tuần tra rừng của thôn, tham gia những đợt ngăn chặn hành vi phá rừng của dân tứ xứ. Bây giờ cũng là công an của thôn nhưng cũng là một trong những đầu nậu chở gỗ được biết đến. Quanh nhà có rất nhiều thớt nghiến. Có máy mài gỗ, cưa xăng, có cả xăng bán để đổ cho cưa.

Cái gì đã biến một người từ chỗ là người bảo vệ rừng thành một tay phá rừng chuyên nghiệp? Một trong những lý do: trước đây khi khu BTTN chưa thành lập, rừng được giao cho xã, cho thôn bảo vệ, nên thôn có quyền và tổ chức bảo vệ. Từ khi khu BTTN thành lập, rừng biến thành của khu BTTN, do kiểm lâm bảo vệ. Thôn không còn trách nhiệm trực tiếp nữa. Và ngăn chặn phá rừng là việc của kiểm lâm chứ không phải của dân!

Vườn chè Shan tuyết 4 năm tuổi cho … bò ăn

Chương trình trồng chè Shan tuyết của tỉnh thực hiện đã 4-5 năm. Hàng năm tỉnh đầu tư cho người dân trong xóm về giống, phân bón thông qua công ty chè tư nhân. Nhưng do đất đai của thôn không phù hợp, chè trồng cứ chết dần hoặc mọc còm cõi. Cây chè Shan 4 năm cao chưa được 1m. Người trồng chưa hề thu được lấy 100.000đ từ hàng ngàn mét vuông chè đã trồng. Thế nhưng bây giờ muốn phá chè đi trồng khoai, trồng sắn cũng không được vì phải đền bù tiền phân và giống đã đầu tư. Muốn có đất để làm nhà cũng không thể bỏ chè được. Trâu bò không có chỗ thả, đành thả vào vườn chè, rồi tới đâu thì tới.

Những câu chuyện tưởng như vô lý, không thể có trong thời buổi mở cửa ngày nay nhưng là có thật, và hơn thế lại rất phổ biến ở các khu BTTN hiện nay. Chính sách giao đất giao rừng nhằm mục đích khơi dậy sức dân để phát triển sản xuất. Nhưng không như giao đất nông nghiệp, đất rừng được giao thực ra lại là một gánh nặng cho người dân. Bởi vì họ phải có trách nhiệm bảo vệ mà lại không thể thu hái gì được từ khu rừng được giao, kể cả lấy củi. Sống giữa rừng mà lại phải đi mua chất đốt từ xuôi (than, ga) thì thật vô lý. Và những thứ chất đốt đó liệu có hiệu quả đối với môi trường hơn củi từ rừng tại chỗ không?

Khi khu BTTN được thành lập, rừng được giao biến thành rừng đặc dụng và được kiểm lâm bảo vệ. Nhưng kiểm lâm liệu có mấy đầu, mấy tay mà bảo vệ? Còn thôn bản, người dân thì không còn trách nhiệm gì, và chuyện họ vào phá rừng chỉ là chuyện một sớm một chiều.

Một chương trình nhằm xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao, vùng sâu. Nhưng có lẽ lại làm người dân nghèo hơn, ít cơ hội hơn và không tạo hiệu quả gì cho xã hội với những nương chè lưa thưa, bò cũng không buồn ăn. Bỏ thì không cho. Mà để thì tội. Đất nương rẫy từ khi biến thành đất rừng đã thiếu, nay biến thành đất chè thì cũng coi như bỏ đi.

Sống giữa rừng mà phải “chở củi về rừng”. Có phải đã đến lúc cần xây dựng lại quan niệm về bảo vệ rừng và về rừng đặc dụng? Nếu rừng phòng hộ và đặc dụng có nghĩa là “nội bất xuất, ngoại bất nhập” thì chỉ càng làm cho tình hình phá rừng thêm căng thẳng, làm nghèo người dân, mà rừng cũng chẳng ai giữ được.

Muốn có sự tham gia của người dân trước hết người dân phải có quyền có lợi thiết thực từ rừng. Đất rừng khi đó mới được sử dụng hiệu quả, đúng với mục tiêu phát triển kinh tế. Và chất lượng rừng mới có cơ được duy trì. Càng đóng cửa thì càng làm cho nhu cầu thực tế của người dân biến thành hành động phi pháp, còn những cố gắng phát triển rừng biến thành vô nghĩa. Mọi chuyện chẳng khác gì chính sách “bế quan, tỏa cảng” và “hợp tác hóa xã hội chủ nghĩa” thời bao cấp ngày xưa. Càng đóng cửa, càng công hữu hóa thì tình hình càng tồi tệ.