ThienNhien.Net – Tồn tại từ chục năm nay, con đường liên xã Thanh Sơn (Kim Bảng, Hà Nam) hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, trở thành nỗi kinh hoàng của người dân với hàng chục “ổ gà, ổ voi”, bụi mù mịt suốt ngày cùng cảnh tượng ùn tắc như cơm bữa ở nơi đây.
Theo quan sát của chúng tôi, đoạn đường liên xã Thanh Sơn chưa đầy 2km tại chân cầu Phủ Lý có tới hàng chục “ổ gà, ổ voi”, mặt đường bị băm nát nham nhở, lớp thảm nhựa bong tróc từng mảng lớn. Những đường rãnh có chiều dài 20m đến 30m với độ lún sụt sâu 50 đến 60cm có thể nhìn thấy dễ dàng. Ở nhiều khúc cua gấp, cung đường bị biến dạng, từng khối đất, đá bị lật tung nằm lởm chởm, ngổn ngang.
Đường nhựa hóa… đất
Cầu Phủ Lý bắc qua sông Đáy nối liền hai bên thành phố cũng xuống cấp nghiêm trọng. Ngay tại điểm thu vé ở chân cầu đã xuất hiện hàng chục chỗ lồi lõm, đất đá văng vãi trên mặt cầu, trời mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mù mịt… gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông qua đây.
Anh Nguyễn Văn Thành (xã Thanh Sơn) bức xúc: “Cầu mà cứ như đường đất, cát đá thì lởm chởm, nhiều hôm trời mưa mặt cầu lầy lội, người dân phải đi lối vòng vì sợ trượt bánh mà ngã”.
Chị Nguyễn Thị Thanh, một công nhân môi trường đô thị cho hay: “Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe qua cầu, hầu hết là xe chở cát đá, họ che chắn rất sơ sài. Công nhân chúng tôi phải tất bật tối ngày, thay phiên nhau quét dọn liên tục từ sáng sớm đến tối mà vẫn không sạch. Nhiều xe chở quá tải vừa lên dốc cát, đá đã rơi văng vãi, nhiều khi quét xong đất đá xe trước, quay lại xe sau đã rải đầy đường rồi”.
Cảnh tượng này dường như đã quá quen với nhiều người dân ở đây, và khẩu trang đã trở thành “món ăn” hàng ngày. Ấy thế, bụi không chỉ có mặt ở ngoài đường mà còn “kéo” vào nhà “hành” dân, nên nhà nào nhà nấy đều đóng cửa im ỉm, nhiều nhà hàng tại đây cũng đã tính đường rút lui vì… bụi.
Bà Loan chủ quán nước lo lắng nói: “Quán mở ra mà chẳng có khách nào nhòm ngó đến, chỉ còn biết tính nước đóng cửa mất thôi”.
Cùng chung cảnh ngộ như bà Loan, chị Đào than thở: “nhà tôi cạnh đường phải đóng cửa suốt ngày, nhưng bụi vẫn lọt vào bình thường, chị giúp việc lau dọn nhà cửa suốt nhưng chỉ vài tiếng sau bụi đất lại bám đầy”.
Còn chị Nguyễn Thị Năm, ở đường Lý Thường Kiệt, than phiền: “Khổ nhất là tụi nhỏ ở đây, lúc nào cũng dễ mắc mắc các bệnh đường hô hấp như viêm xoang, viêm phổi… Ngay cả tôi khi đi ra đường dù đã đeo hai lớp khẩu trang rồi, nhưng bụi vẫn xộc thẳng vào mũi, mặt mũi lấm lem đen sì”.
Được biết, tại khu Nam thành phố Phủ Lý tập trung tới hàng chục các nhà máy như xi măng, khai thác đá…, nên hàng ngày lượng xe tải, xe ben lưu thông qua đây rất lớn.
Đây một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho mặt cầu, đường xuống cấp nhanh chóng, bởi hàng ngày con đường, cây cầu phải “oằn” mình gồng gánh hàng trăm chuyến xe tải, xe ben siêu trường, siêu trọng… trở nguyên vật liệu xây dựng từ 15 đến 20 tấn thậm chí lên tới 30 – 40 tấn, vượt quá tải trọng cho phép nhiều lần.
Nhưng đáng nói hơn, trước tình trạng con đường huyết mạch của xã đang bị cày phá khá nghiêm trọng như vậy, cơ quan chức năng lại không có động tĩnh gì và vẫn chưa có một giải pháp hữu hiệu nào.