Thủy điện Mê Kông: Việt Nam mất nhiều hơn được!

ThienNhien.Net – Con sông quốc tế Mê Kông trong thời gian vừa qua được dư luận đặc biệt quan tâm do những quan ngại về tác động tiêu cực của hệ thống đập thủy điện đã và đang được xây dựng lên cuộc sống của người dân sống trong lưu vực cũng như an ninh môi trường của khu vực. Là quốc gia cuối nguồn, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi chúng ta phải ở thế bị động trong bàn cờ phát triển và cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị. Dòng sông Mẹ Mê Kông liệu có là cầu nối thúc đẩy phát triển giữa các quốc gia trong lưu vực hay đang bị biến thành ngọn nguồn của những nguy cơ tiềm tàng và mất ổn định trong tương lai?


Đã có nhiều ý kiến cho rằng, với vị trí cuối nguồn, Việt Nam sẽ là quốc gia có nguy cơ phải gánh chịu nhiều rủi ro và thiệt hại nhất nếu các đập thuỷ điện được xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông.

Đối thoại chính sách “Phát triển đập thuỷ điện trên sông Mê Kông và thách thức đối với Việt Nam” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 7/11/2010 nhằm tạo diễn đàn trao đổi về câu hỏi đó. Tham gia đối thoại có sự tham gia của 16 đại biểu quốc hội, chuyên viên Văn phòng Quốc hội, các đại diện cơ quan báo chí từ Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia từ nhiều cơ quan có hoạt động liên quan đến vấn đề sông Mê Kông.

Chắn sông ngăn đập

Cho đến nay, đã có 12 dự án đề xuất xây dựng đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông thuộc lãnh thổ của Thái Lan, Lào và Cam-pu-chia. Theo báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược về thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông do Trung tâm quốc tế về quản lý môi trường (ICEM, Úc) thực hiện trình lên Ủy hội sông Mê Kông thì “việc thực hiện bất kỳ hay mọi dự án đề xuất trên dòng chính thuộc hạ lưu sông Mê Kông đều có thể gây ra các tác động sâu sắc và rộng khắp về kinh tế-xã hội và môi trường ở tất cả bốn nước ven sông”.

 

12 đập thủy điện dòng chính Mekong
Tháng 9/2010, Chính phủ Lào đã thông báo lên Ủy hội sông Mê Kông về xây dựng dự án thủy điện đầu tiên trên dòng chính trong số 12 đề xuất dự án. Công trình này sẽ được triển khai tại tỉnh Xayaboury, với công suất dự kiến 1260 MW, chủ yếu là để xuất khẩu sang Thái Lan. (Ảnh: WWF)

Bên cạnh các dự án trên dòng chính còn có khoảng 120 công trình thủy điện quy mô vừa và nhỏ trên các chi lưu của sông Mê Kông với tổng công suất lắp máy 2.600 MW cũng đã và đang được triển khai ở các quốc gia lưu vực.

Việt Nam và Thái Lan là hai khách hàng chủ yếu của nguồn điện được sản xuất ra từ các dự án thủy điện trên dòng chính với khoảng từ 90 % đến gần 100% tổng lượng điện sản xuất. Theo Tiến sĩ Jeremy Carew-Raid, Giám đốc ICEM, nếu như hai quốc gia này quyết định không mua điện từ hai nước láng giền, chắc chắn các dự án này sẽ khó tồn tại được.

Theo tính toán của Nhóm Đánh giá môi trường chiến lược, để đảm bảo an toàn và giảm bớt tác động, cần phải có ít nhất 3 đập điều tiết trên chiều dài 1.500 km cho 12 con đập này nếu chúng được xây dựng. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng đập điều tiết chưa bao giờ được đề ra trong các kế hoạch, dự án. Và nay, nếu nó được đặt ra, người ta sẽ phải đi tìm câu trả lời: Ai sẽ đầu tư xây dựng các đập điều tiết này? Ai sẽ quản lý và vận hành nếu có xây dựng các đập điều tiết đó?

Được và mất nhìn từ phía Việt Nam

Theo tính toán, nếu tất cả 12 dự án thủy điện dòng chính được xây dựng, lượng điện nhập khẩu từ đây sẽ đáp ứng được chưa đến 5% tổng cầu điện của Việt Nam vào năm 2025. Hai quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ các dự án này là Lào và Cam-pu-chia. Kế hoạch xây dựng thủy điện của Lào khiến quốc gia này gần đây được ví là “ắc-quy” của Đông Nam Á.

Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược cho rằng “thuỷ điện dòng chính ít có ý nghĩa quan trọng đối với các ngành năng lượng của Thái Lan và Việt Nam”, trong khi “sẽ góp phần gia tăng sự mất cân bằng ở các nước hạ lưu sông Mê Kông” “sẽ có những tác động tiêu cực lớn đến các ngành thuỷ sản và nông nghiệp”, và do đó “trong trung hạn và ngắn hạn, đói nghèo sẽ trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng của bất kỳ một dự án dòng chính nào, đặc biệt là đối với người nghèo ở các khu vực nông thôn và thành thị ven sông”.

Sản lượng thủy sản có thể mất đến 42% nếu tất cả các đập trên dòng chính được dòng chính. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, theo Ths. Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia độc lập và cũng là thành viên Nhóm Đánh giá Môi trường chiến lược), nếu bóc tách GDP một cách chi tiết, hầu hết các ngành kinh tế đều có liên quan đến nông nghiệp và thủy sản – hai lĩnh vực kinh tế chủ yếu, đầu tàu với một khu vực không có nhiều lợi thế về tài nguyên khoáng sản, rừng và các tiềm năng khác. Phần lớn GDP từ ngành dịch vụ thực ra xuất phát từ nông nghiệp và thủy sản.

Theo TS. Lê Anh Tuấn từ Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu thuộc Trường Đại học Cần Thơ, bên cạnh giảm phù sa và lưu lượng nước từ các con đập, kế hoạch mở rộng hệ thống canh tác nông nghiệp ở Cam-pu-chia cũng sẽ gây suy giảm lượng nước cung cấp cho Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai. Hiện tại, Cam-pu-chia đang thiếu nhân lực lao động cho kế hoạch này. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã có kế hoạch đưa nông dân sang thực hiện canh tác nông nghiệp phục vụ cho chương trình mở rộng nông nghiệp này.

TS. Lê Anh Tuấn cũng dẫn các bằng chứng cụ thể về sạt lở bờ sông và xâm thực bờ biển ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do tác động của thay đổi dòng chảy trong những năm và qua.

Trong phần trình bày của mình, GS. TSKH. Nguyễn Ngọc Trân cũng nêu quan ngại của mình về các dự án chuyển nước ở phía Trung Quốc và Thái Lan có thể giảm lưu lượng nước cung cấp cho sông Mê Kông về phía hạ nguồn. Những dự án này đã được lên kế hoạch từ những năm 1950 và hiện vẫn đang tiếp tục thực hiện.

Đồng bằng sông Cửu Long cũng chịu tác động giao thoa giữa quá trình sông ở thượng nguồn và quá trình biển ở hạ nguồn. Khi quá trình sông yếu đi, quá trình biển sẽ lấn sâu vào đất liền, gây nguy cơ ngập mặn sâu hơn vào phía nội địa, ảnh hưởng lớn đến hệ thống nông nghiệp và đời sống dân cư.

Nạn phá rừng đầu nguồn hiện nay ở các quốc gia lưu vực chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi các đập thủy điện và có thể vượt xa tính toán của các dự án hiện tại. Gs. Nguyễn Ngọc Trân cũng lấy ví dụ hệ thống đập thủy điện trên sông ở các tỉnh miền Trung như là mô hình thu nhỏ của lưu vực Mê Kông. Những gì đã và đang diễn ra ở khu vực miền Trung do tác động của thủy điện cũng hoàn toàn có thể xảy ra khi các đập dòng chính được xây dựng. Dĩ nhiên, quy mô và mức độ ảnh hưởng của các rủi ro, mối đe dọa sẽ lớn hơn rất nhiều.

Một thách thức tiềm tàng mà TS. Jeremy Carew-Raid đề cập là việc những thế lực tư nhân đang dần dần định hình việc quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên và nguồn nước của sông Mê Kông. Trong khi nguồn nước và tài nguyên sông ngòi là tài sản công, quá trình tư nhân hóa và sự can thiệp của các nhóm lợi ích sẽ tạo ra sự bất bình đẳng, trong đó lợi ích của các cộng đồng người nghèo sẽ bị đặt ra ngoài lề.

Nhiều đại biểu cũng đồng tình với nhận định của Ths. Nguyễn Hữu Thiện rằng lợi ích từ các đập thủy điện dòng chính cho Việt Nam là không đáng kể và có thể thay thế được. Trong khi đó, danh sách những tổn thất có thể liệt kê và tính toán được là rất nhiều.

Việt Nam nên ứng phó như thế nào?

Tác động tiềm tàng từ xác dự án thủy điện trên dòng chính có ý nghĩa quy mô khu vực và quốc tế. Ts. Jeremy Carew-Raid khuyến nghị tại buổi đối thoại rằng những quyết định liên quan đến các dự án thủy điện trên dòng chính Mê Kông cần được thảo luận ở cấp cao nhất bởi các nhà lập pháp ở mỗi quốc gia thành viên Ủy hội Mê Kông.

Ở quy mô ASEAN, trong hội nghị AIPA (Đại hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á) lần thứ 30 và 31, đại diện Thái Lan đã đề xuất có tuyên bố chung về vấn đề xây đập thủy điện trên thượng nguồn Mê Kông ở phía Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Cam-pu-chia đã phản đối các đề xuất này.

Chính phủ các nước Việt Nam, Thái Lan, Lào và Cam-pu-chia đã ký kết Hiệp định phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông từ năm 1995. Hiện nay, Việt Nam cũng đang tham gia tích cực vào quá trình xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển lưu vực, các bộ thủ tục và chỉ dẫn để tạo ra các công cụ và thể chế giúp cải thiện quá trình tham vấn, đàm phán và hợp tác phát triển giữa các quốc gia hạ lưu vực, nhằm tăng cường lợi ích và giảm thiểu các rủi ro từ các dự án phát triển.

Các đại biểu tham dự cũng băn khoăn về các chiến lược, chính sách hiện tại liệu đã tính toán cặn kẽ đến những tác động và ảnh hưởng mà các diễn giả nêu. Bên cạnh đó, cần có biện pháp ứng phó nào và phương án chống đỡ khi các quốc gia thượng nguồn vẫn tiếp tục xúc tiến việc xây đập.

Một số đại biểu đồng tình với khuyến nghị của các diễn giả rằng Việt Nam cần có quyết định dứt khoát không tham gia vào quá trình xây dựng đập dòng chính cũng như kiên quyết không mua điện từ các dự án này. Nếu như Việt Nam tham gia, trong tương lai sẽ rất khó có thể lên tiếng nếu như các tác động xảy ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trở thành hiện thực.

Theo ý kiến của TS. Jeremy Carew-Raid, Việt Nam không nhất thiết phải phản đối các dự án thủy điện này. Thay vào đó, Việt Nam nên có tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ khuyến nghị của Báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược, theo đó quyết định về các con đập dòng chính cần được hoãn lại trong khoảng thời gian 10 năm. Trong khoảng thời gian đó, Việt Nam không nên tham gia các hoạt động đầu tư, phát triển đập thủy điện dòng chính cũng như các cam kết mua bán điện từ các dự án này. Chính phủ Việt Nam cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu, đánh giá, đối thoại và tăng cường các cơ chế hợp tác để cân nhắc việc xây đập hay không xây đập.

Một số đại biểu và diễn giả cũng đề xuất Quốc hội nên có hoạt động điều trần về chủ đề thủy điện trên dòng chính Mê Kông để các cơ quan, tập đoàn, các tổ chức liên quan trao đổi, chia sẻ các vấn đề lợi ích và tổn thất với cơ quan lập pháp nhằm đưa ra các quyết sách, chiến lược phù hợp với lợi ích quốc gia. 

Dòng sông Mê Kông trải dài 4.800km chảy qua sáu quốc gia (Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam), tạo ra một lưu vực rộng lớn hơn 795.000 km2. Việt Nam là nước cuối nguồn sông Mê Kông, nơi phù sa và nguồn nước dồi dào đã tạo nên một vùng châu thổ phì nhiêu, cung cấp nguồn sống cho khoảng 20 triệu cư dân. Sự hào phóng của sông Mê Kông đã giúp cho đồng bằng sông Cửu Long trở thành vựa lúa chính của đất nước, đảm bảo an ninh lương thực không chỉ cho Việt Nam mà còn cả trong khu vực và trên thế giới.

Khuyến nghị trong Báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược nhấn mạnh: “Dòng chính sông Mê Kông sẽ không bao giờ được dùng như một trường hợp thử nghiệm để cung cấp và cải tiến mọi công nghệ đập thủy điện”.