Chủ động đối phó nguy cơ hạn nặng mùa tới

ThienNhien.Net – Nỗi lo thiếu nước cho nông nghiệp, sản xuất điện sẽ còn kéo dài bởi theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mùa khô năm 2010-2011 tình trạng khô hạn sẽ nghiêm trọng và xảy ra trên diện rộng.


Tại buổi tọa đàm do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức vừa qua với chủ đề “Diễn biến phức tạp của thời tiết và vụ đông xuân 2010 – 2011, sản xuất điện mùa khô 2011”, bà Đặng Thanh Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đã đưa ra cảnh báo về mùa khô 2010-2011.

Các đợt không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm và ảnh hưởng mạnh đến các tỉnh miền Bắc vào nửa đầu vụ. Đợt rét đậm đầu tiên có khả năng xảy ra sớm hơn so với trung bình nhiều năm (ngày 26/12).

Các hồ chứa thủy điện lớn có khả năng không tích được đầy hồ, tình trạng khó khăn trong cấp nước và phát điện trong mùa khô năm 2010-2011 sẽ tiếp tục căng thẳng trong nhiều tháng.

Kết hợp giải pháp kỹ thuật và phi kỹ thuật

Trước cảnh báo trên, ông Tạ Hồng Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Công trình – Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) cho biết, “Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề thủy lợi và giảm nhẹ thiên tai ”.

Nhiều hồ chứa lớn ở thượng nguồn được đầu tư xây dựng và sửa chữa, nâng cấp để điều tiết phòng lũ trong mùa mưa cho hạ du và cấp nước trong mùa kiệt. Bên cạnh đó, củng cố và xây dựng các đập ngăn mặn giữ ngọt và phòng tránh nước biển dâng…

Ông Đức cho biết thêm, vụ Đông Xuân hàng năm trùng với mùa khô, vì thế nguồn nước để sản xuất phụ thuộc rất lớn vào lượng nước trữ được trong mùa mưa lũ và lượng sinh thuỷ trong mùa khô.

Do nhận định và dự báo sớm được tình hình nên ngành Thuỷ lợi đã đang và tiếp tục triển khai các giải pháp kỹ thuật như tích nước cho hồ chứa, trữ nước vào ao, đầm, vùng trũng thấp để tăng thêm nước cho sản xuất; nạo vét các cửa cống, bể hút trạm bơm, hệ thống dẫn nước tưới để có thể dẫn nước thông thoáng từ đầu mối đến mặt ruộng.

Ngành cũng chỉ đạo lắp đặt mới và bổ sung thêm các trạm bơm dã chiến điện, dầu loại nhỏ để bơm nước trong trường hợp mực nước bị hạ thấp, bố trí các công trình tạm để lấy nước.

Bên cạnh đó, ngành cũng tăng cường nhiều giải pháp phi kỹ thuật như chuyển đổi cây trồng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tưới để tiết kiệm nước; điều hoà phân phối nước luân phiên theo tuyến kênh để đảm bảo điều kiện lấy nước cho các công trình phục vụ tưới.

Ngoài những giải pháp kỹ thuật và phi kỹ thuật nêu trên, việc xây dựng lịch xả nước qua phát điện từ hồ thuỷ điện và tổ chức chỉ đạo thực hiện cũng hết sức quan trọng.

Bộ NN&PTNT phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ căn cứ vào thời vụ, thuỷ triều và hiện trạng nguồn nước để xây dựng lịch lấy nước hợp lý nhất, vừa đảm bảo hiệu ích về điện vừa mang lại lợi ích cho sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là Đồng bằng sông Hồng”, ông Đức nói.

Trước tình trạng đã cuối mùa lũ mà đồng ruộng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa có lũ, nước mặn lại dâng cao nên việc sản xuất và nuôi trồng hải sản của nông dân gặp khó khăn, ông Đức chia sẻ: “Ở khu vực này chỉ còn cách xây đê bao đồng ruộng vừa giữ nước ngọt để cấy trồng vừa chống bị nhiễm mặn đồng ruộng, nơi nào không xây được đê bao thì tranh thủ nuôi trồng hải sản”.

Theo ông Đức, để chủ động trong sản xuất, đảm bảo đủ nguồn nước tưới suốt vụ, bà con nông dân cần chú ý một số điểm như thời gian xuống giống phải theo khung thời vụ chung của địa phương và lịch cấp nước của đơn vị dịch vụ nước, diện tích sản xuất phải căn cứ vào nguồn nước hiện có, tuyệt đối không sản xuất ở những vùng không đảm bảo tưới suốt vụ để tránh thiệt hại khi hạn hán xuất hiện, tranh thủ lấy nước trữ vào ao, đầm, vùng trũng và giữ nước chống thất thoát. 

Tiết kiệm là chủ yếu


Khuyến khích sử dụng các sản phẩm tiết kiệm điện. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Về phía ngành Điện, trước dự báo khô hạn mùa tới, ông Đặng Hoàng An, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình thủy văn các hồ chứa thủy điện để cân đối khai thác hợp lý các nguồn điện trong hệ thống, đặc biệt là khai thác thủy điện. Đây là bài toán phức tạp, làm sao chúng ta vừa phải đảm bảo năng lực cung ứng điện các tháng cuối năm 2010, vừa tích nước phục vụ sản xuất điện, sản xuất nông nghiệp và phục vụ nhu cầu dân sinh trong 6 tháng mùa khô 2011”.

Ông cũng đưa ra các giải pháp chủ yếu như khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than, khí hiện có, tiếp tục nhập khẩu điện ở mức cao, đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhiệt điện than mới khu vực phía Bắc khẩn trương đưa các tổ máy vào vận hành.

“Ngoài những nỗ lực của ngành điện trong việc tăng khả năng cung cấp điện như nêu trên, chúng tôi cho rằng một giải pháp cấp thiết, hỗ trợ thiết thực là sự chia sẻ từ phía các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và các khách hàng bằng việc sử dụng điện và nước hợp lý, hiệu quả, tránh lãng phí”, ông An nói.

Theo ông An, qua theo dõi của EVN, nhìn trên bình diện toàn xã hội, việc sử dụng năng lượng nói chung, năng lượng điện nói riêng chưa hiệu quả, tiềm năng tiết kiệm còn nhiều. Cường độ sử dụng năng lượng điện của toàn nền kinh tế nước ta lớn một cách bất hợp lý. Tỷ số giữa tốc độ tăng trưởng điện và tăng trưởng kinh tế (hệ số đàn hồi) quá cao, xấp xỉ gấp 2 lần so với các nước trong khu vực.

“Tiết kiệm điện cần được đi vào ý thức xã hội, không chỉ được chú trọng trong mùa khô, mà cần làm thường xuyên, vừa để tiết kiệm tài nguyên (than đá, dầu, khí, nước, …) của đất nước đồng thời giảm tác động xấu đến môi trường do hoạt động sản xuất điện gây ra”, ông An cho biết.