Khai thác gỗ lậu: giảm mà không giảm

ThienNhien.Net – Tổng sản lượng gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp trên toàn thế giới đã giảm 22% kể từ năm 2002, cho thấy những chính sách mới và nỗ lực của cộng đồng quốc tế đã có tác động tích cực nhất định. Tuy nhiên, hãy khoan vội mừng, bởi lẽ xét về thực chất, nạn khai thác gỗ lậu chỉ chuyển từ hình thức này sang hình thức khác, chứ không thay đổi về bản chất và mục tiêu.


Giảm về tỉ lệ…

Trong một thập kỷ qua, nạn phá rừng ở các nước sản xuất gỗ lớn nhất nhì thế giới giảm đáng kể. Tại Cameroon, tỉ lệ giảm tới 50%, từ 50-75% là mức giảm ở rừng Amazon của Brazin, còn tại Indonesia là 75%. Chiều hướng giảm lượng gỗ khai thác bất hợp pháp tại ba quốc gia giúp “tiết kiệm” 17 triệu ha rừng (gấp 2 lần diện tích của Australia) và lưu giữ 1,2 tỉ tấn các-bon trong bầu khí quyển.

Theo ước tính của tổ chức Chatham House (Anh), nếu được khai thác hợp lý, rừng tại các khu vực này có thể mang lại doanh thu hơn 6 tỷ USD. Thậm chí, nếu dừng hoàn toàn các hoạt động khai thác bất hợp pháp thì lợi ích thu được từ rừng còn lớn hơn nhiều, có thể lưu trữ được 14,6 tỉ tấn các-bon, tương đương với lượng khí thải phát ra từ các hoạt động của con người trong vòng 6 tháng.

Dù vậy, tình trạng khai thác gỗ trái phép ở cả ba quốc gia kể trên vẫn còn nhiều phức tạp. Hiện có đến 40% sản lượng gỗ khai thác tại Indonesia được cho là bất hợp pháp. Tại Cameroon, việc thực thi các quy định pháp luật liên quan đến khai thác gỗ cũng đầy thách thức, trở ngại.

Tình hình diễn ra tương tự tại Ghana và Malaysia. Tuy là nước có tổng số gỗ khai thác bất hợp pháp ít hơn so với các quốc gia được đánh giá, nhưng Malaysia không có bất cứ sự cải thiện hay biện pháp nào chống lại tệ nạn này trong suốt thập kỷ qua. Có thể nói, minh bạch đang là một trong những vấn đề lớn nhất của quốc gia này.

Tại Ghana, nạn khai thác gỗ bất hợp pháp diễn ra tràn lan trên khắp lãnh thổ, ước tính có đến 2/3 tổng sản lượng gỗ khai thác có nguồn gốc bất hợp pháp, hầu hết đều là gỗ tận thu.

Madagascar cũng khốn đốn với nạn khai thác gỗ bất hợp pháp, đặc biệt là sau khi cuộc đảo chính đầu năm 2010 đã mở đường cho công cuộc “cướp bóc” các khu rừng. Những kẻ khai thác gỗ lậu thậm chí còn xâm nhập vào cả công viên quốc gia để tìm kiếm gỗ hồng sắc quý hiếm, gây thiệt hại lớn cho tài nguyên quốc gia và đe dọa tính đa dạng sinh học độc đáo của đảo quốc này. 

… nhưng tinh vi trong thủ đoạn

Báo cáo của tổ chức Chatham House nhấn mạnh, nạn khai thác gỗ bất hợp pháp không phải là vấn đề của quá khứ. Tuy nhiên, với sự kiểm soát ngày càng chặt của hệ thống pháp luật, thực trạng khai thác gỗ bất hợp pháp theo hướng lộ liễu gần như chấm dứt, chuyển sang các hình thức hoạt động tinh vi và núp dưới chiêu bài hợp thức hóa. Chẳng hạn như việc các công ty lợi dụng giấy phép được cấp bên ngoài khu vực khai thác để lấn rừng sâu hơn hoặc chủ trương xin phá rừng để làm nông nghiệp…

Theo thống kê, nhu cầu gỗ bất hợp pháp hiện nay vẫn tiếp tục tăng cao, tập trung chủ yếu tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Hà Lan và đặc biệt là Trung Quốc. Năm 2008, 5 quốc gia nêu trên – không kể Trung Quốc – đã nhập 17 triệu m3 gỗ và các sản phẩm gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp. Lượng gỗ bất hợp pháp đi vào các quốc gia này có trị giá lên tới 8,4 tỷ USD mỗi năm, phần lớn được nhập dưới dạng đồ gỗ hoặc ván ép.

Đáng chú ý hơn cả là Trung Quốc, nơi được xem là thị trường nhập khẩu và chế biến gỗ bất hợp pháp lớn nhất thế giới. Theo Chatham House, 1/5 lượng gỗ nhập khẩu của quốc gia này có nguồn gốc bất hợp pháp. Mỗi năm Trung Quốc nhập tới 20 triệu m3 gỗ lậu, nhiều hơn cả số lượng của Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan và Pháp cộng lại (17 triệu m3). Đa phần gỗ lậu được sơ chế qua trước khi nhập vào Trung Quốc, sau đó được chế biến lại để xuất sang các quốc gia khác.

Gần đây, xuất hiện nhiều tín hiệu đáng mừng khi các quốc gia tiêu thụ đã bắt đầu thay đổi cách nhìn về vấn đề khai thác gỗ lậu. Năm 2008, Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Lacey sửa đổi, nhằm kiểm soát việc buôn bán gỗ và các sản phầm từ gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp. Nghị viện châu Âu sau đó cũng đã bỏ phiếu cấm đưa gỗ bất hợp pháp vào thị trường của mình. Nếu được thông qua, dự luật sẽ có hiệu lực từ năm 2012 và bắt đầu từ năm 2017 đối với các sản phẩm giấy.

Tuy nhiên, để giải quyết thực trạng này, theo Chatham House, điều quan trọng nhất vẫn là sự thay đổi trong tư duy của các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan, cùng với đó là việc đúc rút kinh nghiệm từ những bài học trong quá khứ để hiểu được bản chất thực sự của vấn đề.