ThienNhien.Net – Tăng cường giáo dục được coi là chìa khóa hiệu quả để cá nhân và cộng đồng ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, giáo dục biến đổi khí hậu (GDBĐKH) đã được lồng ghép trong chương trình của các bậc học. Tuy nhiên, các nhà giáo dục cho rằng, điều quan trọng là cần đổi mới phương pháp và các hình thức tổ chức giáo dục, không hạn chế GDBĐKH trong các bài học khô cứng mà cần tăng cường các hoạt động thiết thực, sinh động ngoài giờ.
Bắt đầu từ thế hệ trẻ
Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học tính toán, nếu mực nước biển dâng cao so với hiện nay 1m, 38% diện tích châu thổ Nam Bộ sẽ ngập trong nước biển, triều cường vào sâu trong đất liền.
GDBĐKH là một trong những nội dung của giáo dục vì sự phát triển bền vững, giúp người học hiểu và biết được những tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu, đồng thời khuyến khích thay đổi hành vi để ứng phó với BĐKH.
Theo PGS.TS Trần Đức Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ giáo dục vì sự phát triển bền vững, Đại học Sư phạm Hà Nội, tăng cường giáo dục được coi là “chìa khóa” hiệu quả để cá nhân và cộng đồng ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu như mực nước biển dâng, thiên tai bất thường, gia tăng nhiệt độ toàn cầu…
Ông Tuấn cho rằng, GDBĐKH bằng cách lồng ghép vào môn học ở các trường phổ thông và đại học như Địa lý, Công nghệ, Kỹ thuật nông nghiệp chính là giải pháp hữu hiệu để thay đổi hành vi và nhận thức của học sinh đối với biến đổi khí hậu, hướng thế hệ trẻ trở thành các “công dân toàn cầu” nỗ lực hành động để chống biến đổi khí hậu.
Thực tế, thông qua GDBĐKH ở trường học và các phương tiện thông tin đại chúng, thế hệ trẻ đã không còn xa lạ với khái niệm biến đổi khí hậu .
Chủ nhiệm CLB Tình bạn xanh, Đại hoc Khoa học Huế Trương Minh Đến cho biết, ước tính có khoảng 100 CLB, nhóm thuộc các trường ĐH, CĐ, THPT… đang hoạt động vì môi trường và chống biến đổi khí hậu. Hoạt động của các nhóm này có sức lan tỏa và hiệu quả cao bởi với lực lượng hùng hậu, họ là những tuyên truyền viên nhiệt tình đưa những kiến thức về biến đổi khí hậu vào đời sống.
Có thể kể đến những hoạt động điển hình và thiết thực của thanh niên như tham gia chiến dịch Giờ trái đất, “Kết nối bàn tay sinh thái”, “Làm cho thế giới sạch hơn” với các hoạt động dọn vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom phế loại…
Tăng cường các môn học thực địa
Các nhà giáo dục, nhà khoa học của các cơ sở đào tạo đều cho rằng, điều quan trọng là cần đổi mới phương pháp và các hình thức tổ chức giáo dục, không hạn chế GDBĐKH trong các bài học khô cứng mà cần tăng cường các hoạt động thiết thực, sinh động ngoài giờ.
Ông Trịnh Phi Hoành, trường Đại học Đồng Tháp nêu kinh nghiệm thực tế, cử nhân sư phạm địa lý của trường được học 2 môn học thực địa là địa lý tự nhiên và địa lý kinh tế – xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Qua những chuyến đi này, ngoài việc tiếp nhận những kiến thức địa lý truyền thống, sinh viên được tìm hiểu nhiều khía cạnh của biến đổi khí hậu như sự thay đổi thời gian theo mùa mưa – khô, biến đổi hệ sinh thái, các hiện tượng tai biến tự nhiên, năng suất nông nghiệp…
Bà Trần Thị Bích Hường, giảng viên trường Đại học Hùng Vương cũng đề xuất những hình thức ngoại khóa để nâng cao hiệu quả GDBĐKH như ngoại khóa truyền thông – thi sáng tạo các sản phẩm truyền thông về biến đổi khí hậu, xây dựng các tổ chức tình nguyện với các “sứ giả môi trường” tích cực, ngoại khóa hành động – làm sạch môi trường học đường, địa phương.
Bà Hường cho biết, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quỹ thời gian dành cho các nội dung ngoại khóa cho sinh viên đại học khoảng 20 buổi mỗi năm học. Giảng viên cần sắp xếp quỹ thời gian phù hợp đồng thời tạo điều kiện phát huy tính tự chủ của sinh viên, để sinh viên tự thiết kế về nội dung và cách tổ chức ngoại khóa.