Mối đe dọa từ cây trinh nữ thân gỗ

ThienNhien.Net – Với đặc tính sinh trưởng, phát triển nhanh chóng và phát tán thành quần thể lớn, trinh nữ thân gỗ là một sinh vật ngoại lại đặc biệt nguy hiểm, không những đe dọa sinh tồn của nhiều loài cây bản địa mà còn gây tổn hại đến đời sống kinh tế của nơi bị xâm lấn.


Loài ngoại lai có khả năng phát tán nhanh, rộng

Trinh Nữ thân gỗ (Mimosa pigra L.) được biết đến với nhiều tên gọi như: Cây trinh nữ, cây mai dương, cây xấu hổ hay vuốt rồng… Là loài cây ưa ẩm, khi gặp điều kiện thuận lợi trinh nữ thân gỗ phát triển rất nhanh. Hạt trinh nữ thân gỗ có khả năng phát tán xa và tồn lại lâu dài trong bùn, dưới mặt đất. Ở những vùng này, nguồn hạt đã qua thời gian ngủ, nghỉ, có thể nảy mầm ngay khi nước rút. Cây trinh nữ non phát triển được cả trong điều kiện ngập úng hoặc khô hạn.

Trinh nữ là loại cây có khả năng thích nghi rất cao với môi trường sống và có tốc độ phát tán nhanh. Sau 1 năm tuổi, kể cả khi kích thước còn nhỏ, nhưng trinh nữ đã có khả năng ra hoa, kết quả. Chiều dài trung bình của quả khoảng 9,3cm. Khi rụng, hạt vẫn được vỏ bao bọc, nhờ đó phát tán theo dòng nước đến các vùng khác. Khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng sẽ nhanh chóng phát triển thành vùng rộng lớn.

Ngoài khả năng thích nghi với nhiều dạng môi trường sống, khả năng tái sinh rất cao cũng khiến loài trinh nữ này thêm phần nguy hại, vì rất khó loại trừ. Sau thời gian bị chặt 15 ngày, số mầm tái sinh trên mỗi thân có thể lên đến 2,1 mầm; 90 ngày sẽ là 3,5 – 5,6 mầm và bò lan nhanh hơn cả cây trinh nữ mọc từ hạt.

Trinh nữ thân gỗ ở Việt Nam

Xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước, trinh nữ nhanh chóng phát tán ra cả nước. Có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nên nguy cơ xâm lấn của loài cây này ở nước ta đang có xu hướng tăng mạnh, nhất là ở các vùng đất hoang hóa, vùng đất ngập nước hay ở các lưu vực sông…

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nơi cây trinh nữ xuất hiện sớm. Sự xâm nhập của loài ngoại lai này đã ở mức báo động đối với các tỉnh Long An, Tiền Giang, khi từ năm 2006, mỗi tỉnh đã có từ 550 – 850ha đất bị trinh nữ phủ kín.

Vườn Quốc gia Tràm Chim – một vùng sinh thái đất ngập nước đặc trưng ở vùng Đồng Tháp Mười đã ghi nhận sự xâm lấn cũng như tốc độ phát tán đến chóng mặt của loài cây dại này. Giai đoạn 1984 – 1985, nơi đây chỉ xuất hiện một vài bụi trinh nữ, nhưng đến tháng 5/2000, diện tích Vườn bị xâm lấn đã là 490ha và đến tháng 5/2006 diện tích này đã lên tới 2.000ha, chiếm khoảng 28% diện tích Vườn.

Ở hồ thủy điện Thác Bà, từ năm 1995, cây trinh nữ đã phát tán mạnh, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. 19/25 xã quanh hồ đều bị cây trinh nữ xâm lấn ở mức cao, với 1.039/1.454ha đất canh tác nông nghiệp (chiếm 71,6/%). Tại những vùng cây trưởng thành 2 – 3 năm tuổi, mật độ có thể đạt 11,3 cây/m2, cao nhất lên đến 26 cây/m2. Trong khi đó, những vùng mới bị xâm nhiễm, mật độ cây con có thể lên đến 270 cây/m2.

Không chỉ là mối đe dọa lớn đối với các hệ sinh thái, môi trường, đa dạng sinh học, sự xâm lấn của cây trinh nữ gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Chúng cản trở giao thông ở các lưu vực sông, gây khó khăn cho hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là việc lấn chiếm các vùng đấp màu mỡ các bãi bồi, các vùng đất trũng hoặc bán ngập thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp của người dân.


Nguồn: Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tháng 9/2010.