ĐB sông Hồng và nguy cơ không tự cân đối lương thực

ThienNhien.Net – Tuy đẩy mạnh thâm canh và tăng hệ số sử dụng đất, nhưng về lâu dài, sản lượng lúa ở Đồng bằng sông Hồng (DBSH)vẫn có nguy cơ giảm do tốc độ đô thị hóa dẫn đến mất đất nông nghiệp trong khi dân số không ngừng tăng lên. Và nếu chúng ta không có chiến lược bảo đảm lương thực dài hạn, thì rất có thể đến năm 2030, ĐBSH sẽ mất khả năng tự cân đối lương thực.


Sử dụng mô hình Phân tích hệ thống động (Dynamic Modelling) của Bruce Hanon & Matthias để xem xét sự thay đổi về kinh tế – xã hội trong một khoảng thời gian nhất định, một nhóm tác giả thuộc trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên đã thực hiện một cuộc nghiên cứu về khả năng đáp ứng lương thực của ĐBSH từ nay đến năm 2030.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu không có sản lượng lúa gạo dự trữ từ những năm trước thì đến năm 2025 nguồn cung lúa gạo của ĐBSH sẽ bị đe dọa và việc nhập khẩu lúa gạo với ĐBSH sẽ xảy ra trong những năm sau đó.

Cũng theo kết quả nghiên cứu, với tốc độ giảm diện tích lúa như hiện nay thì đến năm 2031, lượng thóc do ĐBSH sản xuất ra không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong nội vùng, đó là chưa kể đến nhu cầu khác như để giống hay chăn nuôi.

Mặt khác, ĐBSH đang phải đối mặt với thách thức rất lớn từ biến đổi khí hậu. Theo Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng do Bộ Tài nguyên Môi trường thực hiện và công bố giữa năm 2009 (theo cả kịch bản phát thải thấp và trung bình) thì đến năm 2030, mực nước biển sẽ dâng 0,17m và nhấn chìm khoảng 51.000 – 85.000ha đất lúa ĐBSH.

Trong khi đó, năm 2010, dân số ĐBSH dự kiến là khoảng 19,9 triệu người, đến năm 2030 sẽ đạt mức 23,4 triệu người. Diện tích đất nông nghiệp bị suy giảm nhanh cùng với sự gia tăng dân số gây hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực của vùng.

Dựa trên kết quả nghiên cứu của mình, nhóm tác giả đã đề xuất chiến lược cho sự phát triển nông nghiệp của ĐBSH trong thời gian. Theo đó, giải pháp đảm bảo an ninh lương thực là giữ ổn định diện tích đất lúa, giảm tốc độ gia tăng dân số và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và sản lượng lúa.

Nghiên cứu được giới thiệu trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn số 9/2010.