WB hỗ trợ châu Á giảm tác động của BĐKH và thiên tai

ThienNhien.Net – Hiện nay, các tác động thiên tai xuyên quốc gia ngày càng cho thấy tầm quan trọng trong việc tăng cường quan hệ đối tác về quản lý rủi ro và thích ứng biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị Bộ trưởng Á lần thứ 4 về giảm rủi ro thiên tai vừa diễn ra tại Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết sẽ ký Bản ghi nhớ với Chính phủ Hàn Quốc vào cuối năm nay, nhằm tăng cường hợp tác và chia sẻ chuyên môn trong việc giảm rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu giữa các quốc gia châu Á.


Trong năm 2009, số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, 6 trong số 10 nước có thiệt hại GDP cao nhất do thiên tai là các nước châu Á Thái Bình Dương, đồng thời 82% các ca tử vong liên quan đến thiên tai từ năm 1997 cũng ở khu vực này (theo Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế, IFRC). Người dân ở các nước nghèo hơn trong khu vực cũng phải hứng chịu ảnh hưởng lớn nhất, như số người chết cao nhất, dân sinh và tài sản bị phá hủy lớn nhất. Ví dụ: các nước có thu nhập thấp hứng chịu khoảng 1/8 nguy cơ của các cơn bão nhiệt đới toàn cầu, nhưng nguy cơ tử vong lại chiếm đến 4/5.

85% nạn nhân thiên tai tập trung tại khu vực này, vì vậy điều quan trọng nhất là phải giảm thiểu rủi ro từ quá trình đô thị hóa nhanh chưa từng có, thể chế yếu kém, thiếu các biện pháp giám sát rủi ro và phòng chống thiên tai phù hợp.

Nghiên cứu gần đây của WB cũng cho thấy, chi phí thích nghi với nhiệt độ cao hơn 2°C vào năm 2050 của thế giới là từ 75-100 tỷ USD một năm – trong đó cao nhất là tại châu Á-Thái Bình Dương. Đây sẽ là một nội dung có trong báo cáo sắp công bố của Ngân hàng Thế giới “Khía cạnh Kinh tế của Biến đổi Khí hậu”, trong đó lưu ý phần lớn các khoản đầu tư cho thích ứng này là cần thiết để cải thiện cơ sở hạ tầng bao gồm hệ thống thoát nước và công trình công cộng, các vùng ven biển, cấp nước, chống lũ lụt.

Vì thế, việc đạt được kết quả cụ thể tại Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc vào tháng 12 ở Cancun sắp tới là rất quan trọng. Tuy không phải là một bên tham gia đàm phán, WB quan ngại rằng nếu không có tiến bộ về biến đổi khí hậu thì những tiến bộ về xóa đói giảm nghèo toàn cầu sẽ bị suy yếu.

Hiện, WB đang tích cực hợp tác với các nước tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu, trong đó có các nước Đông Á – Thái Bình Dương, theo hướng ủng hộ một thỏa thuận toàn cầu và cho phép hành động trên cơ sở đó.

Cụ thể, WB dành khoảng 1,5 tỷ USD cho các dự án quản lý rủi ro thiên tai (DRM) ở Đông Á – Thái Bình Dương, bao gồm việc tái thiết bền vững sau động đất ở Trung Quốc và Indonesia; các sáng kiến mới về chính sách phát triển biến đổi khí hậu tại Việt Nam và Indonesia; lập mô hình rủi ro cho đồng bằng sông Cửu Long cũng như thảm họa ở các đảo Thái Bình Dương.

“Nhu cầu lớn của các nước về đầu tư dự phòng giảm rủi ro thiên tai như hệ thống cảnh báo sớm, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và cơ sở hạ tầng linh hoạt cho thấy con người đã nhận thức rõ hơn rằng tăng trưởng và xóa đói nghèo khó đạt do biến đổi khí hậu và thiên tai gây ra hàng thập kỷ qua. Ngân hàng Thế giới và các đối tác thông qua Quỹ Toàn cầu về Giảm nhẹ Thiên tai và Phục hồi (GFDRR) đang cố gắng hỗ trợ những nhu cầu này theo các cách sáng tạo với các công cụ tài chính mới, phân tích rủi ro các khoản đầu tư và xây dựng năng lực” – ông Abhas Jha, Giám đốc Chương trình Quản lý rủi ro thiên tai ở Đông Á – Thái Bình Dương của WB nói.