Ứng phó nguy cơ khan hiếm nước

ThienNhien.Net – Lượng nước mặt tính bình quân đầu người sẽ giảm từ mức 3.840m3/người/năm hiện nay xuống 2.830m3/người/năm vào năm 2015; và tương lai gần Việt Nam sẽ trở thành quốc gia khan hiếm nước. Đây là cảnh báo mà Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Lê Hữu Thuần đưa ra tại Hội thảo “Quản lý Tổng hợp tài nguyên nước ở Việt Nam và Đức” diễn ra ngày 27/10, tại Hà Nội.


Ông Thuần đã chỉ ra 7 thách thức đối với tài nguyên nước của Việt Nam. Đó là sự phụ thuộc vào các nguồn nước bên ngoài lãnh thổ; phân bố nguồn nước không đồng đều theo không gian và thời gian; gia tăng dân số và phát triển kinh tế xã hội; suy thoái ô nhiễm và cạn kiệt tài nguyên nước do khai thác sử dụng quá mức và không hợp lý các nguồn nước; thiên tai liên quan đến tài nguyên nước; ảnh hưởng do khai thác sử dụng nước ở các quốc gia đầu nguồn; tác động của biến đổi khí hậu.

Cụ thể, hơn 60% tổng lượng nước chảy qua lãnh thổ Việt Nam sản sinh từ nước ngoài và trên 70% diện tích lưu vực các hệ thống sông ngòi nằm ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh đó, tài nguyên nước phân bố không đều theo thời gian (lượng nước trung bình trong 3-5 tháng mùa lũ chiếm khoảng 70 – 80%, trong khi 7-9 tháng mùa kiệt chỉ chiếm khoảng 20-30% lượng nước cả năm). Tài nguyên nước cũng phân bố không đều giữa các vùng (trên 60% nguồn nước sông tập trung ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long).

Ông Thuần cảnh báo: “Lượng nước mặt tính bình quân đầu người (tính theo lượng nước sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam) hiện nay khoảng 3.840m3/người/năm, dự báo đến năm 2015 chỉ còn 2.830m3/người/năm. Tương lai gần Việt Nam sẽ trở thành quốc gia khan hiếm nước”.

Cần quản lý tổng hợp tài nguyên nước

Tại hội thảo, các chuyên gia của Việt Nam và Đức đều có chung quan điểm, việc quản lý tổng hợp tài nguyên nước để phát huy mặt lợi, hạn chế tác hại của nước vừa là giải pháp, vừa là mục tiêu hết sức quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

TS Fritz Holzwarth, Bộ Liên bang Đức về Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân cho biết, muốn quản lý hiệu quả tài nguyên nước cần xác định 4 mục tiêu cốt lõi: nguồn cung an toàn, xử lý hiệu quả, sử dụng bền vững và chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Fritz Holzwarth cũng nêu một số sáng kiến của Chính phủ Đức đã phát huy được hiệu quả tốt như sử dụng chiến lược công nghệ cao, kêu gọi công chúng và các hiệp hội cùng chung tay tham gia bảo vệ tài nguyên nước.

Từ năm 2005 đến nay, Việt Nam và Đức đã có 12 dự án hợp tác song phương trong lĩnh vực công nghệ nước và môi trường. Có thể kể đến một số dự án đã hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong việc quản lý tổng hợp tài nguyên nước như Hệ thống thông tin về nước cho sự phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long; Giải pháp tổng hợp xử lý nước thải cho các khu công nghiệp, điển hình là khu công nghiệp Trà Nóc, tỉnh Cần Thơ…

Cũng trong buổi hội thảo, Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam và Mạng lưới Cộng tác về Nước của Đức (GWP) đã ký văn bản hợp tác về quản lý tổng hợp tài nguyên nước.