Tôi không đấu tranh đòi quyền cho động vật

ThienNhien.Net – Câu nói tưởng chừng mâu thuẫn này đã được nhà bảo tồn, nhà linh trưởng học nổi tiếng người Anh – TS. Jane Googall chia sẻ. Đấu tranh cho trách nhiệm của loài người trong việc bảo tồn các loài động vật là những gì mà "người phụ nữ của tinh tinh" này đã theo đuổi trong cả cuộc đời mình.

PV: Sự gia tăng ngày càng nhanh số lượng các loài nguy cấp trên thế giới cho thấy cái nhìn không mấy sáng sủa, thậm chí là tuyệt vọng về công tác bảo tồn. Trong cuốn sách mới nhất – “Hi vọng cho các loài động vật và thế giới của chúng”, bà đã mang đến nhiều hi vọng cho hoạt động này bằng cách nhấn mạnh những yếu tố tích cực. Liệu đó có phải là cách bà “truyền cảm hứng” cho các nhà bảo tồn trên thế giới để họ không từ bỏ khi phải đối mặt với quá nhiều nghịch cảnh? Theo bà, chúng ta cần làm những gì để bảo vệ các loài động vật hoang dã trên quy mô lớn?

Jane Goodall: Có thể nói, đó là những cố gắng nhằm mang lại hi vọng cho các nhà sinh học trẻ nhiều tham vọng, để họ không bị thuyết phục bởi những luận điệu rằng biến đổi khí hậu đang diễn ra và chắc chắn hệ sinh thái sẽ sụp đổ.

TS. Janes Goodall là nhà nghiên cứu nổi tiếng người Anh trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã. Bà đã có nhiều phát hiện quý báu về loài tinh tinh sau hơn 40 năm sống và làm việc tại châu Phi. Janes Goodall đã được trao tặng rất nhiều danh hiệu cao quý và giải thưởng lớn về bảo tồn động vật hoang dã như Đại sứ hòa bình của Liên Hiệp Quốc năm 2002; Huy chương Benjamin Franklin vì sự nghiệp khoa học năm 2003… Ngoài ra, bà còn được biết đến với tên gọi “người phụ nữ của tinh tinh”.

Bằng cách nào đó, chúng tôi muốn thức tỉnh và kêu gọi mọi người quan tâm hơn tới công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã. Tôi đang hướng đến thế hệ trẻ. Chương trình của tôi – “Jane Goodall’s Roots & Shoots” là chương trình mang tới hi vọng cho nhiều người (dành cho lớp trẻ thuộc mọi lứa tuổi, từ mẫu giáo cho tới những sinh viên các trường cao đẳng, đại học). Tôi cho rằng, sẽ là phạm luật nếu không trao cho các em niềm hi vọng bởi các em được sinh ra với niềm hi vọng và chúng ta cần nuôi dưỡng niềm hi vọng đó.

Thêm một lý do khác cho việc lựa chọn nhóm đối tượng này – là vì các em đều là những thiên tài trong việc thay đổi hành vi của bố mẹ. Tất nhiên, một số nhóm đối tượng khác cũng rất quan trọng, gồm những người ra quyết định, những nhà chính sách và các giáo viên, nhưng thực sự khi làm việc với các em nhỏ, tôi thấy niềm hi vọng được nhân lên rất nhiều – niềm hi vọng về tương lai bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

PV: Những trở ngại chính mà bà và các nhà bảo tồn thường gặp trong quá trình bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng?

Jane Goodanll: Quan liêu là một trong những khó khăn chúng tôi thường gặp. Tôi đã nói chuyện với nhiều nhà sinh học – những người biết rất rõ cần phải làm gì để bảo vệ những loài có nguy cơ tuyệt chủng, nhưng họ lại mất quá nhiều thời gian cho việc kiểm nghiệm các phép thử trước khi đưa ra những bằng chứng xác thực. Trong khi đó, những động vật quý hiếm, những cá thể của chúng ta lại đang chết dần và rơi vào tình thế không thể cứu vãn.

Trở ngại khác cũng không kém phần quan trọng là việc phải “chiến đấu” dai dẳng với những ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế và sự thiếu hiểu biết của cộng đồng.

PV: Làm thế nào để thuyết phục mọi người quan tâm đến những loài nguy hiểm như sói hay cá sấu?

Jane Goodanll: Có lẽ lại phải thông qua con cái của họ. Tôi không nghĩ rằng, có một công thức nào đó để bạn có thể nói với mọi người, rằng “đây là tất cả những gì bạn có thể làm để thay đổi suy nghĩ của mọi người” vì mỗi người có cách suy nghĩ khác nhau. Thông thường, sẽ rất khó để làm được điều đó, dù với tôi, cách tốt nhất để thay đổi thái độ của mọi người là thông qua trò chuyện. Nếu bạn có thể tìm thấy một câu chuyện kể về những nỗ lực của một loài sinh vật nhỏ nhưng có đóng góp lớn cho “sức khoẻ” của hệ sinh thái và cho chính con người thì đó sẽ là bằng chứng thuyết phục nhất.

PV: Những câu chuyện trong cuốn sách của bà thể hiện quyết tâm rất lớn của những con người dám đứng lên đấu tranh – đôi khi “cuộc chiến” kéo dài hàng thập kỷ – để cứu những cá thể cuối cùng còn sót lại của loài. Câu chuyện nào khiến bà cảm động nhất?

Jane Goodanll: Chắc chắn là câu chuyện về loài chim Robin đen. Xưa kia, loài này chỉ còn duy nhất một con cái, về sau câu chuyện của nó với người bạn tình diễn ra như truyền thuyết về Adam và Eva vậy. Số lượng loài này hiện đã tăng lên gần 400. Tôi nghĩ đó là điều thật tuyệt vời – quá trình gây giống diễn ra hoàn toàn trong tự nhiên, không hề bị nuôi nhốt. Nhà sinh vật học Don Merton rất yêu loài chim này, và ông đã giúp chúng thoát khỏi sự tuyệt chủng. Ông không ngại thổ lộ rằng ông rất yêu chúng và luôn nói những điều tốt đẹp về chúng. Ông ấy là người rất thú vị. Câu chuyện về chim Robin đen tưởng chừng khó tin nhưng lại là sự thật.

PV: Trong giới bảo tồn, nhiều nhà khoa học cho rằng việc dành tình cảm cho riêng một đối tượng nhất định là không phù hợp. Bà có cho rằng, cuộc cách tân trong quan điểm này sẽ là một trong những chìa khóa để mở rộng cánh cửa bảo tồn?

Jane Goodanll: Tôi nghĩ vậy. Tôi đã đấu tranh cho sự nghiệp của mình ngay từ khi vào học tại Đại học Cambridge. Sẽ là sai lầm nếu bạn cho rằng sự đồng cảm và khách quan không thể đi đôi trong nghiên cứu bảo tồn. Đơn giản chỉ là vấn đề kỷ luật. Đó là điều mà các nhà khoa học nên biết.

PV: Nghiên cứu của bà về loài tinh tinh cho thấy, con người không phải là cá thể duy nhất có tính cách, khả năng suy nghĩ và biểu cảm. Phải chăng cộng đồng khoa học đang bắt đầu thực hiện những nghiên cứu nghiêm túc về đời sống tình cảm của các loài vật và xem chúng là những cá thể thông minh, có tri giác?

Jane Goodanll: Tôi chắc chắn sẽ có nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Hầu hết những cản trở xuất phát từ những nhà khoa học không yêu động vật hay những tay thợ săn, những người làm việc tại các trang trại tập trung hay lò mổ vì họ không muốn tin rằng động vật cũng có những cảm xúc thực sự. Nếu thừa nhận điều đó, công việc của họ có thể bị ảnh hưởng và gặp khó khăn.

PV: Bà có nghĩ rằng động vật nên có quyền của chúng?

Jane Goodanll: Cá nhân tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ đấu tranh đòi quyền cho bản thân các loài động vật. Tất cả những gì tôi làm là đấu tranh cho quyền của con người – cái vẫn bị chúng ta lạm dụng hàng ngày, ở khắp mọi nơi trên thế giới. Liệu chúng ta có thể giúp các loài động vật khi quyền con người vẫn bị lạm dụng? Tất nhiên, sẽ không có hại gì khi nói động vật cũng có quyền của chúng và tôi rất ủng hộ những người theo quan điểm này. Nhưng cách tiếp cận của tôi thì khác, tôi đang đấu tranh cho trách nhiệm của loài người trong việc bảo tồn các loài động vật. Công việc của tôi là làm cho mọi người có hướng suy nghĩ khác về động vật – theo đúng những gì chúng có. Tôi muốn mọi người hiểu rằng, động vật cũng có tính cách và cảm xúc – điều mà rất đáng để con người tôn trọng, lưu tâm và bảo vệ.

Ngoài ra, cũng cần chú ý tới thế hệ trẻ – những người chắc chắn sẽ mang lại niềm hi vọng cho thế giới bảo tồn. Chúng ta đã rất quan tâm tới họ, nhưng dường như chưa có sự kết nối những bộ não thông minh với trái tim con người, nơi chứa đựng tình yêu và lòng bác ái. Sẽ chẳng còn ý nghĩa gì khi loài sinh vật thông minh nhất hành tinh lại phá hủy chính ngôi nhà thân yêu của mình, phá hủy một cách không thương tiếc. Vậy làm sao để chúng ta kết nối được trái tim và khối óc lại với nhau? Thông qua thế hệ trẻ, tôi nghĩ như vậy.

PV: Cảm ơn bà rất nhiều!