Tràn bùn đỏ ở Hungary và truyền thông

ThienNhien.Net – Sự cố tràn bùn ở Hungary đã “thống trị” tin tức thế giới trong nhiều ngày khi hình ảnh khủng khiếp của các con sông bùn đỏ xuất hiện không ngừng trên Internet, trên trang nhất của các tờ báo in và màn hình TV. Trong khi đó, những mối đe dọa khác về môi trường – ít "bắt mắt" nhưng có khả năng tàn phá nhiều hơn – lại không mấy được chú ý rộng rãi.


Các nhóm môi trường châu Âu từ lâu đã lo lắng về bể bùn thải từ quá trình sản xuất nhôm ở Hungary. Ủy ban Quốc tế Bảo vệ Sông Danube cũng đã để mắt đến bể bùn này và đưa nó vào danh sách các đối tượng nguy hiểm có thể gây ô nhiễm hệ sinh thái sông Danube. Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên Hungary cũng đã nỗ lực vận động đóng cửa bể chứa bùn này và hai bể bùn bauxite khác ở phía Tây Hungary. Tuy nhiên, sự cố bất ngờ này vẫn là một cú sốc với tất cả mọi người.

Ô nhiễm từ khai mỏ từ lâu vốn đã luôn nằm trong danh sách các quan ngại về môi trường, song vì thường nằm ở những vùng hẻo lánh nên vấn đề này ít được chú ý đặc biệt. Thậm chí, ngay cả những người dân sống gần các bể bùn như ở các làng Kolontar và Devecser của Hungary cũng chẳng cảm thấy mấy phiền toái bởi sự hiện diện của nó.

Song tất cả đã thay đổi vào ngày 4 tháng 10, khi một góc hồ chứa bùn rò rỉ sau nhiều tuần mưa lớn đã bất ngờ vỡ toang và tuôn trào một dòng suối bùn đỏ. 10 người đã thiệt mạng và hơn 100 người đã bị bỏng hóa chất vì thảm họa này.

Trong gần một tuần, hình ảnh dòng bùn đỏ từ thảm họa này đã tràn ngập trang nhất báo chí và Internet, dẫn đầu bản tin của các đài truyền hình trên toàn cầu. Hình ảnh của chất thải công nghiệp được gọi là “bùn đỏ” này trở thành thành một biểu tượng cô đọng về mối nguy hiểm môi trường, mặc dù trong hệ thống các chất thải công nghiệp, bùn đỏ chưa phải là những gì độc hại nhất.

Con người dường như đã phản ứng mạnh với những thảm họa mang “diện mạo khủng khiếp” như chất thải bùn đỏ hơn là các rủi ro nghiêm trọng mà các giác quan của chúng ta không nhìn thấy, cảm thấy hoặc không nhận thức được một cách trực quan như vậy, như các loại khí thải nhà kính hay chất thải chứa xyanua từ quá trình chế biến vàng, hoặc chất thải từ các mỏ than.

Hai năm trước đây , một vụ tràn bùn xỉ than ở Tennessee (Mỹ) đã khiến hơn 1 tỷ gallon (tương đương 38 triệu lít) bùn xỉ than chứa độc tố tràn vào thị trấn Kingston và các khu vực xung quanh. Tuy nhiên, sự kiện này ít được các bản tin chú ý đặc biệt. Vấn đề có lẽ nằm ở chỗ thứ bùn này có màu nâu chứ không phải màu đỏ như máu trong thảm họa tràn bùn ở Hungary.

Tương tự như vậy, tại sao tập đoàn dầu khí BP lúc đầu lại ngăn chặn các video về vụ tràn dầu vịnh Mexico trong mùa hè vừa rồi? Một phần lý do có thể là do đoạn video cho phép các nhà khoa học ước tính được khối lượng của dầu tràn. Song lý do sâu xa hơn có lẽ là hình ảnh dầu cuồn cuộn tràn ra biển không thể kiểm soát là một cảnh tượng quá đáng sợ với người Mỹ, mặc dù sau đó hình ảnh này đã được phát tán trên mạng You Tube.

Tuy nhiên, đối với thị trấn Kolontar và Devecser, màu sắc ấn tượng của bùn đỏ có vẻ đã mang lại một số lợi ích. Với mọi cặp mắt đổ dồn vào khu vực thảm họa này, chính phủ Hungary đã phản ứng nhanh chóng, triển khai mọi biện pháp cần thiết để đối phó và giảm nhẹ thảm họa.

Mặc dù báo động ban đầu cho rằng vụ tràn bùn này là một thảm họa môi trường lớn – Một phát ngôn viên của Greenpeace đã sớm gọi nó là “một trong ba thảm họa môi trường hàng đầu ở châu Âu trong 20 hoặc 30 năm qua” – thì thực tế nó chưa khủng khiếp đến thế. Bởi lẽ, sau khi bùn tràn ra sông Danube, độ pH của dòng sông vẫn có thể đảm bảo duy trì đời sống thủy sinh. Ngay cả trong các ngôi làng, mức độ kim loại nặng trong bùn cũng ở ngưỡng an toàn, theo các nhà khoa học.

Lẽ dĩ nhiên, cuộc sống trong những ngôi làng này sẽ không bao giờ quay trở lại như xưa nữa kể từ sau biến cố tràn bùn này. Lớp đất bề mặt sẽ phải được thay thế bởi vì chứa quá nhiều kiềm. Nhà cửa bị “cơn lũ ăn da” lấn chiếm cũng sẽ phải phá đi xây lại, nếu người dân sẵn sàng trở lại sau khi cơn ác mộng qua đi.

Tuy nhiên, các sự cố tràn chất thải khác ít “ăn ảnh” hơn và các thảm họa môi trường cướp đi nhiều mạng sống hơn hoặc làm thiệt hại hệ sinh thái rộng hơn lại không thu hút sự chú ý đặc biệt đến thế, như sự cố ở Hungary.

Vụ tràn bùn xỉ than ở Tennessee hai năm trước đã thải ra môi trường một lượng chất thải công nghiệp gấp năm lần vụ tràn bùn Hungari. Cơn lũ bùn này đã bao phủ hơn một trăm ha với lớp bùn dày lên tới 2m, phá hủy nhà cửa và đường xe lửa, khiến sông Emory ô nhiễm chì và tali nghiêm trọng. Dù không có thiệt hại đáng tiếc về người do vụ tràn bùn xảy ra ở khu vực thưa thớt dân cư vào giữa đêm, song công ty chịu trách nhiệm đã phải đền bù hoàn toàn 150 căn nhà và phải chi hàng triệu đô la để khôi phục cuộc sống của dân cư trong khu vực.

Một thảm họa môi trường lớn hơn nữa là vụ tràn chất thải có chứa xyanua từ một nhà máy chế biến vàng ở Baia Mare, Rumani năm 2000. Thảm họa môi trường ít được các phương tiện truyền thông chú ý so với vụ tràn bùn đỏ của Hungary này đã khiến 2,5 triệu người tạm thời không có nước uống an toàn. Các chất thải độc hại – với mức độ xyanua cao gấp 400 lần mức độ tối đa cho phép đã đổ vào con sông địa phương, gây thiệt hại nghiêm trọng trên hơn 1.000 km đường thủy trong hệ sinh thái sông Danube trên lãnh thổ của bốn quốc gia. Thảm họa này đã giết chết hàng triệu con cá và đã “xóa sổ” toàn bộ các loài sinh vật sống xung quanh con sông Tisza của Hungary, từ các loài chim ăn cá cho đến thỏ rừng.

Khoảng một tuần sau vụ tràn bùn đỏ ở Konlontar, thế giới có lẽ đã dần quen với cảnh tượng bùn đỏ. Thêm nữa, tin mừng từ vụ giải cứu kỳ diệu 33 thợ mỏ Chile bị mắc kẹt hơn 2 tháng dưới lòng đất cũng khiến nhân loại hân hoan mà phần nào xao lãng vụ tai nạn ở Hungary. Và 10 ngày sau vụ tràn bùn, chính phủ Hungari đã cho phép nhà máy alumina hoạt động trở lại. Người dân lặng lẽ trở lại Kolontar, khôi phục lại cuộc sống mà không có bất cứ máy quay nào dõi theo.