ThienNhien.Net – Bên cạnh công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả sau lũ, việc cấp thiết hiện nay đang đặt ra chính là công tác phòng ngừa dịch bệnh và cung cấp nguồn nước sạch sinh hoạt cho người dân vùng lũ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…
Hiện nay nước lũ đã rút ở một số tỉnh miền Trung, chính quyền các địa phương đang gấp rút khắc phục hậu quả nặng nề của cơn lũ lịch sử. Chống lũ đã khó, khắc phục hậu quả do lũ gây ra cũng chẳng dễ dàng, nhất là các vấn đề liên quan đến dịch bệnh, nước sạch.
Ông Phạm Đức Văn – Bí thư Đảng ủy xã Hương Minh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Trận lũ lịch sử vừa qua đã nhấn chìm toàn bộ xã, gia súc, gia cầm theo đó chết khắp nơi. Nguồn nước sinh hoạt của người dân bị ô nhiễm nghiêm trọng”.
|
Tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cũng có đến 1.500 giếng nước cùng hơn 1.000 công trình vệ sinh, xả thải bị ngập.
Một số điểm vùng trũng Nghi Lộc, Nam Đàn, Hưng Nguyên thuộc tỉnh Nghệ An, đặc biệt xã Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc nhiều gia đình đã phải lên thị trấn xin nước sạch về sinh hoạt. Tại nhiều nơi, người dân còn dựng chuồng trại tạm bợ trên triền các con đê nhằm giữ trâu, bò. Thực tế này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh, phát sinh dịch bệnh…
Xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên nằm trên đường 12/9 và quốc lộ 46 nhưng đến nay vẫn còn hơn 70/% hộ dân bị ngập nước. Kéo theo đó các hộ dân bị thiếu nước uống và nước sinh hoạt trầm trọng.
Môi trường sau lũ là điều kiện cho một số bệnh phát triển, nhất là đau mắt đỏ, tiêu chảy, bệnh ngoài da. Nhiều bệnh này đã xuất hiện hầu khắp ở các huyện, thành, thị trên địa bàn Nghệ An.
Riêng tỉnh Quảng Bình, tính đến ngày 23/10 nhiều trạm y tế tại huyện Minh Hóa, Quảng Trạch, Tuyên Hóa bị ngập sâu… Việc các trạm y tế, các bệnh viện huyện vẫn ngập chìm trong nước gây nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Nhìn vào thực tế hiện nay, vấn đề phòng ngừa dịch bệnh, thiếu nước sinh hoạt sau trận mưa lũ lịch sử tại các tỉnh miền Trung đang thật sự nóng, đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành hữu quan.