ThienNhien.Net – Trước tình trạng dịch tai xanh đã xuất hiện trở lại ở vùng Đồng bằng sông Hồng, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần yêu cầu Cục Thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch lợn tai xanh tại các tỉnh mới có dịch, xử lý triệt để ngay từ đầu, không để lây lan trên diện rộng.
Đây là điều đáng lo ngại bởi theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ), vùng Đồng bằng sông Hồng là vùng trọng điểm mới bắt đầu phục hồi lại đàn lợn. Do đó, tiêu hủy ngay số lợn bệnh không để dịch lây lan trên diện rộng là việc làm cần thiết.
Cục Thú y cũng cho biết, trong 2 tuần qua, hai tỉnh Sơn La và Nam Định mới phát sinh dịch tai xanh. Từ ngày 21/10/2010, chưa phát sinh ổ dịch mới tại các địa phương.
Chi cục Thú y tỉnh Nam Định đã bao vây ổ dịch và tiêu hủy hơn 140 con/gần 380 con lợn mắc bệnh của xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng.
Mặc dù dịch tai xanh đang có chiều hướng đi xuống, đã có hơn 64% số xã của các tỉnh, thành phố có dịch đã qua 21 ngày không phát sinh dịch, nhưng nguy cơ xuất hiện các ổ dịch lẻ tẻ là rất cao.
Sau hai đợt lũ vừa qua tại miền Trung, ngành chăn nuôi cũng bị thiệt hại nặng nề, tuy nhiên, theo Cục Chăn nuôi, việc cần làm bây giờ là phòng trừ dịch bệnh. Do đó người chăn nuôi cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về vệ sinh phòng dịch theo đúng hướng dẫn của Chi cục Thú y địa phương.
Trên cả nước, 25 tỉnh hiện có dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày là Nghệ An, Sóc Trăng, Bình Dương, Bạc Liêu, Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Hậu Giang, Lâm Đồng, Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre, Cà Mau, Kon Tum, Đắk Nông, Gia Lai, Trà Vinh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Sơn La, Kiên Giang và Nam Định.
Bên cạnh dịch tai xanh, theo báo cáo của Cục Thú y, hiện cả nước có 10 tỉnh có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày là Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Phước, Sơn La, Sóc Trăng, Long An, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu và Khánh Hòa.
Riêng với dịch cúm gia cầm, hiện cả nước không còn tỉnh nào có dịch. Tuy nhiên, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cũng đề nghị Cục Thú y phối hợp tốt với các địa phương chuẩn bị cho tiêm phòng vắc xin đợt II, cố gắng không để xảy ra dịch vào cuối năm.