ThienNhien.Net – Ngày 22/10 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia địa chất, khoáng sản về Đề án “Điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền bể sông Hồng”. Đây là Đề án phục vụ cho việc quy hoạch và thực hiện các dự án thăm dò, khai thác, chế biến than cho nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của đất nước.
Theo kết quả nghiên cứu ban đầu, từ độ sâu -100m trở xuống ở đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là một bể than có chất lượng tốt. Các vỉa than này phân bố trên một diện tích 2.765 km2, với tổng trữ lượng gần 20 tỷ tấn.
Than ở bể ĐBSH thuộc loại than nâu (Lignite) đến á bitum và là loại than hiện nay trên thế giới chủ yếu dùng làm nhiên liệu sản xuất điện, dầu diesel và sản phẩm thay thế xăng.
Kiến nghị rút ngắn thời gian thăm dò
Để đưa ra được kết quả đánh giá tổng thể về bể than, dự kiến sẽ phải khoan 124 lỗ khoan với độ sâu từ 115 m đến hơn 3.000m trong thời gian kéo dài 4 năm (từ 2010 – 12/2013). Và hầu hết các mũi khoan điều tra nằm trong vùng đông dân cư, có nhiều công trình dân dụng nên việc thi công gặp nhiều khó khăn khi diện tích giải phóng mặt bằng lớn.
Đại diện chính quyền địa phương nơi thực hiện các mũi khoan đã điều tra kiến nghị rút ngắn thời gian thi công để tạo điều kiện cho công tác quy hoạch đất đai cũng như môi trường sống của người dân.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương Nguyễn Hữu Lộc, thời gian thực hiện Đề án dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nên cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Đề án Nguyễn Văn Nguyên khẳng định, đây không phải là đề án khai thác hoặc quy hoạch thăm dò khai thác nên sẽ không tác động lớn đến môi trường tự nhiên và xã hội địa phương. Khi triển khai, Ban điều hành sẽ trình UBND tỉnh để phối hợp, trong đó có sự thống nhất về vị trí lỗ khoan và công việc điều tra khác trên địa bàn.
Bên cạnh đó, để bảo vệ vùng sản xuất lúa trọng điểm phía Bắc, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, mỗi lỗ khoan chỉ chiếm khoảng hơn 600m2 đất, thời gian từ 3 – 6 tháng và sau khi thi công sẽ hoàn trả nguyên trạng mặt bằng để trồng lúa. Vì vậy, ảnh hưởng không lớn đối với diện tích trồng lúa của các địa phương.
Kết hợp một công đôi việc
Nhiều chuyên gia cho rằng đây là dự án điều tra có quy mô lớn với kỹ thuật phức tạp, vì thế, mỗi mũi khoan phải hướng tới nhiều mục đích.
GS Lê Đỗ Bình, nguyên cán bộ của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN&MT cho rằng, cần tận dụng tối đa thông tin từ các mũi khoan để kết hợp nghiên cứu các khoáng sản đi kèm hay xác định yếu tố đặc thù về thủy văn, địa chất…tránh lãng phí.
Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, các khoáng sản chính đã được phát hiện trong diện tích nghiên cứu gồm cả than, khí và nước khoáng nóng. Trong quá trình khoan nếu gặp các đối tượng khác ngoài than thì đều được nghiên cứu kết hợp để đánh giá khối lượng dự kiến.
Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp từ các Bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia để sớm hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.