Thủy điện, lũ và lý lẽ của thiên nhiên

ThienNhien.Net – Lũ đang qua, nước đang rút dần, song những thảm cảnh mỗi mùa bão lũ với khúc ruột miền Trung chắc chắn còn chưa dừng lại. Phá rừng, thủy điện và hậu quả lũ lụt chẳng phải là câu chuyện xa lạ, nhưng khi những cánh rừng vẫn ngã xuống, người dân nơi rốn lũ hẳn vẫn chỉ biết kêu trời.


Kẻ gieo gió, người gặt bão

Có một điều chắc chắn rằng, nếu vẫn tiếp tục áp đặt những tư duy hạn hẹp nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, con người chúng ta sẽ còn phải trả giá. Bởi thiên nhiên có những lý lẽ riêng, hoạt động theo những quy luật vỗn dĩ đã có từ thuở hồng hoang. Thay đổi tự nhiên quá ngưỡng chịu đựng, bỏ qua những quy luật ấy con người ắt hẳn sẽ phải gánh chịu sự đáp trả của tự nhiên.

Lũ là hiện tượng tự nhiên có từ bao đời. Người dân chẳng hề xa lạ với lũ. Nhưng những cơn lũ ngày nay chắc chắn đã khác xưa. Những cơn lũ của thời hiện đại như những con thú rừng đang yên ổn kiếm ăn bỗng dưng bị chọc giận. Chúng tấn công và phá hủy tất cả những gì chúng đi qua. Và kẻ chọc giận chúng, chẳng ai khác chính là chúng ta, một cách trực tiếp hay gián tiếp.

Những dòng sông chảy qua núi rừng, đồng ruộng, làng mạc chở phù sa cần mẫn bồi đắp cho những đồng bằng vươn xa mãi, mang các sản vật thiên nhiên nuôi dưỡng con người từ triệu năm qua. Rồi đột nhiên những dòng sông ấy lần lượt trở nên hung dữ.

Liệu sông có thể hiền hòa nữa không khi thân mình chúng đang bị băm nát, đào xới, biến dạng bởi hơn 1.000 dự án thủy điện đã, đang và sẽ được xây dựng trên khắp đất nước này?

Những con đập thủy điện đó có thể tạo ra nhiều điện, tạo ra thêm của cải. Nhưng những con đập đó có tạo thêm hạnh phúc, phồn vinh cho đa số người dân hay không?

Nhà đầu tư ăn mặn, dân đen… ngập nước

Khi xây dựng dự án, các nhà đầu tư bao giờ cũng chỉ cho chúng ta thấy muôn vàn cái lợi của thủy điện. Và dĩ nhiên, những chuyện như 20 ngàn người dân có nguy cơ phải chạy lũ nếu vỡ đập chắc chẳn không thể xuất hiện trên văn bản dự án.

 Thủy điện gây mất rừng thì đã rõ. Nhưng cũng phải kể đến sự bất lực đến khó tin của lực lượng giữ rừng. Kiểm lâm là cơ quan chức năng có lẽ đã quá già cỗi và ít thay đổi. Cả một khối tài sản công khổng lồ về cả giá trị kinh tế lẫn môi sinh mỗi khi kiểm kê lại giảm sút thêm nhiều phần mà lạ là ít ai chịu trách nhiệm.

Những lý lẽ và tính toán của các nhà đầu tư có lẽ nằm trong một hệ quy chiếu khác, nằm ngoài quy luật của thiên nhiên, với những con số lợi nhuận, càng nhiều càng tốt.

Cách đây vài năm, một số dự án mới rục rịch khởi động mà cổ phiếu đã tràn ngập thị trường OTC. Người ta thu hồi vốn khi thậm chí chưa đầu tư, cũng chưa cần xây nhà máy, phát điện làm gì. Gỗ và lâm sản trong lưu vực lòng hồ đã là món béo bở để các công ty vơ vét. Diện tích quy hoạch ban đầu cũng vì thế mà được nới rộng ra mãi.

Một số công ty, tổ chức, cá nhân có chút ít kiến thức về khoa học môi trường, sinh thái trong mấy năm gần đây cũng kiếm bộn tiền vì luật quy định các dự án nhất định phải có đánh giá tác động môi trường. Nhiều “nhà môi trường” thế là kiếm ăn được bằng nghề của mình, trên lưng thiên nhiên và những hệ sinh thái, bằng cách vẽ ra những báo cáo đánh giá với “công nghệ nhân bản vô tính”.

Mà kể cả báo cáo đánh giá tác động môi trường có khuyến cáo này nọ, đề nghị thế kia thì khi thực hiện dự án, người ta cũng lờ đi mà chẳng ai làm được gì. May ra có vài dự án gắn với nguồn vốn vay từ các quốc gia phát triển còn có yêu cầu giám sát chặt chẽ hơn.

Ở xứ ta, phương châm “đầu tư có trách nhiệm” phần nhiều mới chỉ là khẩu hiệu. Các nước phát triển thì khác. Nhiều người dùng tiền nhàn rỗi bỏ vào ngân hàng, gửi quỹ đầu tư, mua cổ phiếu… cũng chọn lĩnh vực “sạch sẽ”, lương thiện, ít ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người khác để đầu tư.

Chúng ta đang quên mất rằng con người cũng chỉ là một thành phần trong hệ sinh thái tự nhiên rộng lớn. Để rồi những dòng chảy đang bị chúng ta o bế, phá hủy, thay đổi hoàn toàn, những những cánh rừng từng là lá chắn, đệm lũ bị chặt hạ.

Nếu cứ chắn sông xây đập, cứ để rừng tàn lụi, cứ chú tâm vào con số phần trăm tăng trưởng ảo thì chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều cơn giận dữ của thiên nhiên. Cái giá, nếu quy ra được bằng tiền, còn cao gấp trăm ngàn lần cái lợi vẽ trên giấy tờ dự án. Nhưng tính mạng người dân thì rõ là không quy ra được thành những tờ giấy bạc!

Thủy điện ở Hà Tĩnh: Cảnh báo thảm họa môi trường