ThienNhien.Net – Thí điểm từ năm 2007, chương trình phát triển cây cao su vùng Tây Bắc đã đạt được những kết quả khả quan và tác động mạnh mẽ đến tư duy kinh tế của cán bộ và người dân trong vùng. Nhằm phát huy hiệu quả này và đảm bảo sự bền vững của cây cao su, Hội nghị sơ kết 3 năm chương trình phát triển cây cao su các tỉnh vùng Tây Bắc do Ban chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức, đã diến ra trung tuần tháng 8 vừa qua, tại Điện Biên.
Tư duy kinh tế thay đổi mạnh mẽ
Trong những năm vừa qua, chương trình phát triển vùng cao su tại các địa phương vùng Tây Bắc đã được triển khai với tốc độ khá nhanh và bước đầu đạt được những kết quả khả quan.
Trước hết, phương thức xây dựng vùng chuyên canh tập trung theo hướng hàng hoá đã tác động mạnh mẽ đến tư duy kinh tế trong đội ngũ cán bộ chỉ đạo, quản lý và đông đảo quần chúng nhân dân vùng dự án. Đây sẽ là yếu tố quan trọng, tác động tích cực để góp phần thúc đẩy quá trình khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế hàng hóa vùng Tây Bắc.
Mặt khác, những kết quả đạt được của chương trình trồng cây cao su vùng Tây Bắc đã đem lại những tiến bộ nhiều mặt trong đời sống xã hội trên các địa bàn nông thôn vùng dự án.
Cán bộ cơ sở và nông dân được tiếp cận phương thức tổ chức sản xuất mới; kết cấu hạ tầng được đầu tư thêm; công nhân và các hộ tham gia trồng cao su có thu nhập ổn định; thiết chế văn hoá nông thôn được tăng cường một bước…
Sau thời gian thí điểm từ năm 2007, ba năm qua cây cao su đã được triển khai trồng đại trà tại vùng Tây Bắc với gần 15.000 ha cao su.. Dự kiến hết năm 2010, diện tích trồng cây cao su của cả vùng Tây Bắc sẽ đạt khoảng 42.000 ha, trong đó 7 tỉnh (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ) có diện tích cao su trồng mới đạt trên 20.000 ha.
Theo các nhà khoa học, nhìn chung, cao su mới trồng sinh trưởng khá tốt, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt dự kiến, không thua kém các vùng cao su truyền thống ở Tây Nguyên và Nam Bộ. Đặc biệt, qua đợt rét hại lịch sử cuối năm 2008, đầu năm 2009, một số giống cao su vẫn sinh trưởng bình thường. Nhiều diện tích cao su trồng năm 2007 – 2008 có đường kính của cây đạt từ 8 – 12cm, chiều cao trung bình từ 3 – 5m, dự kiến sẽ bắt đầu cho thu hoạch vào năm 2013 – 2014.
Căn cứ tốc độ sinh trưởng của cây cao su ở Tây Bắc cho thấy, nếu chọn những vùng có điều kiện sinh thái phù hợp, chăm sóc đúng kỹ thuật, cao su vùng Tây Bắc có triển vọng cho năng suất khá, tạo lập niềm tin cho cán bộ, nhân dân trong vùng, tạo sự đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Với mô hình sản xuất liên kết, nông dân góp cổ phần với doanh nghiệp cao su bằng quyền giá trị sử dụng đất và phương thức tổ chức sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, củng cố khối liên minh công nông, là điều kiện giúp đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc tiếp cận phương thức sản xuất mang tính công nghiệp để xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Tuy nhiên, tiến độ phát triển cao su tại các tỉnh Tây Bắc trong những năm qua nhanh hơn so với kế hoạch của Chính phủ. Một số tỉnh phát triển nhanh về diện tích trồng mới, do đó công tác chuẩn bị về đất đai, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa tốt; công tác triển khai còn lúng túng, chất lượng cây kém. Công tác quy hoạch, phê duyệt chậm so với kế hoạch; cơ chế chính sách phát triển cao su tại Tây Bắc chưa đồng bộ…
Giải quyết những vấn đề nảy sinh
Đánh giá về chương trình phát triển cây cao su vùng Tây Bắc, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho rằng, những kết quả đạt được trong chương trình này đang mở ra một hướng mới cho tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương trong vùng.
Tuy nhiên, do lần đầu tiên tổ chức trồng cao su hàng hoá với quy mô lớn ở địa bàn vùng cao có nhiều đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, nên chắc chắn sẽ có những vấn đề nới nảy sinh.
Vì vậy, việc phát triển cây cao su vùng Tây Bắc cần phải có những bước đi phù hợp, vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm và đặc biệt phải đảm bảo được hiệu quả bền vững của cây cao su.
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh, trong thời gian tới, các Bộ, ngành chức năng, các địa phương có diện tích trồng cao su trong vùng Tây Bắc cần tiếp tục khẩn trương hoàn thiện việc khảo sát, xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn, làm căn cứ khoa học và pháp lý cho việc tổ chức trồng cao su, đảm bảo phát triển nhanh và hiệu quả bền vững.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các cơ chế, chính sách mới như chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề trồng cao su, hỗ trợ đo đạc, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cơ sở nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất giống cao su, hỗ trợ công tác khuyến nông…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su và các Viện khoa học về cao su nghiên cứu kỹ lưỡng để lựa chọn bộ giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu ở mỗi tiểu vùng.
Căn cứ tiến độ trồng và kiến thiết cơ bản các vùng cao su, Tập đoàn Công nghiệp Cao su phối hợp với các địa phương chủ động quy hoạch và đầu tư xây dựng các cơ sở thu mua, chế biến một cách đồng bộ.
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng lưu ý, các địa phương trong vùng Tây Bắc cần hết sức chủ động trong việc tạo môi trường thuận lợi nhất để thu hút nguồn lực của doanh nghiệp, xây dựng quan hệ liên kết, hợp tác bền chặt với các tổ chức kinh tế và hộ nông dân.
Đồng thời, phải vừa phát huy động lực của cơ chế kinh tế thị trường, vừa chú ý đúng mức đến phong tục, tập quán canh tác của đồng bào vùng cao vốn chưa có nhiều tác phong công nghiệp và kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất hàng hoá, để có giải pháp phù hợp nhằm giúp chương trình phát triển cây cao su vùng Tây Bắc đạt hiệu quả cao nhất.